Tin trong tỉnh

4 người tử vong vì điện giật ở Nghệ An, đùn đẩy trách nhiệm đến bao giờ?

Vụ việc xảy ra tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trong khi thi công, đường điện cho Tập đoàn Viễn thông Viettel làm 4 công nhân tử vong, 3 công nhân nhập viện. Đã gần 2 tháng qua, sự đùn đẩy trách nhiệm của các bên liên quan làm dư luận băn khoăn về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với lao động của mình.

Sự đùn đẩy vô trách nhiệm?

Ngày 26/6/2018 trong khi thi công dựng cột viễn thông cho Tập đoàn Viễn thông Viettel, tại đường tỉnh lộ ĐT 531 thuộc xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An thì nhóm công nhân gồm 7 người bị điện của đường dây cao áp 35 kv phóng điện làm chết 4 người tại chỗ và 3 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người chết và 3 người bị thương.

Chúng tôi tìm hiểu thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng liên quan về việc thương tâm này.

Từ Quốc lộ 48, nhóm PV men theo đường tỉnh lộ ĐT 531 để vào xã Hạ Sơn, con đường nhỏ chỉ rộng chừng 5m, đường đá lởm chởm chúng tôi như “bò” trên đường, đi chừng một tiếng thì đến UBND xã Hạ Sơn, mặc dù đoạn đường chỉ dài chừng 20 km.

Qua nhiều lần liên lạc bất thành với Chủ tịch UBND xã, đến tận trụ sở chúng tôi cũng không gặp. Xuôi theo con đường nhỏ trước mặt Ủy ban xã chừng 100 m nhóm PV đến nhà anh Trương Minh T. ở xóm Xuân Sơn, 1 trong bốn nạn nhân đã tử vong vừa qua. Đây cũng là ngày mà gia đình tổ chức lễ “làm vía” cho anh theo phong tục địa phương. Trong nhà rất đông bạn bè, người thân đến thăm viếng, cả không gian nhuộm một màu ảm đạm, đau buồn.

Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ người quá cố, chúng tôi xin được trò chuyện với gia đình về sự việc mới xảy ra. Tiếp chúng tôi là ông Trương Minh Đức, bố đẻ cùng anh Lê Văn Chính em vợ và chị Lê Thị Chuyên là vợ của anh T..

Trao đổi với PV, anh Chính cho biết: "Ngay khi hay tin về vụ tai nạn anh cùng anh em trong gia đình đã ngay lập tức lao ra hiện trường. Đập vào mắt mọi người là thi thể 4 người đã tử vong nằm ngay cạnh đường, còn ba người vẫn còn trong tâm trạng hoảng loạn, ngay cạnh đó một đoạn dây điện cao thế đã bị đứt rơi xuống; cột bê tông nghiêng đổ. Mấy người bị thương thì kêu la, họ kêu chân tay thì lạnh còn bên trong cơ thể như lửa đốt. Gia đình những người bị thương vội vã đưa họ đi bệnh viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Hợp".

Đường dây 35kv được đấu nối sau khi vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra

Anh T. ra đi để lại người vợ trẻ cùng 2 con đang còn thơ dại, cháu đầu mới học lớp 3. còn cháu thứ 2 mới 27 tháng tuổi.

Chị Chuyên vợ anh T. bày tỏ: "Cái chết của chồng đã làm cả gia đình suy sụp, nhưng mấy ngày qua khi đọc các tin tức, gia đình thấy nhiều báo đăng sai sự thật càng gây đau lòng hơn cho những người thân." Theo chị Chuyên, ngoài giờ hành chính thì chồng chị còn làm thêm để phụ giúp vợ nuôi dạy con cái. Việc làm thêm cho Công ty Đông Đông cũng vậy, chồng chị và một số người trong xã làm thêm cho công ty này trong việc dựng các cột viễn thông là nhằm tăng thêm thu nhập và làm ngoài giờ hành chính. Lúc xảy ra vụ tai nạn chồng chị cũng vừa đi làm trên UBND xã về, vội vàng thay quần áo ra làm cùng mấy người khác, chừng hơn nửa tiếng sau thì xảy ra tai nạn.

Đến Xóm Xiềm, chúng tôi không dám vào thăm các gia đình các nạn nhân, vì một không khí tang thương bao trùm. Xóm nhỏ mấy chục hộ gia đình trong một buổi chiều đã cướp đi 3 thanh niên trai tráng, siêng năng lao động, được mọi người yêu mến.

Men theo đường tỉnh lộ 531 chừng gần 3 km chúng tôi tới hiện trường vụ tai nạn. Dọc theo con đường từ trạm y tế xã Hạ Sơn, dưới đường dây điện cao áp 35 kv là một dãy dài các cột bê tông viễn thông của tập đoàn Viettel đã chôn xong. Dãy cột này được dựng lên men theo dưới lưới điện cao thế, hiện đã dựng xong hơn 40 cột.

Tại vị trí xảy ra vụ tai nạn là một cột bê tông đổ nằm nghiêng bên vệ đường, đầu cột bị cháy xém, cạnh đó là 4 bát hương đang còn vương mùi hương khói, cuốc xẻng, vẫn còn nguyên.. Trên đó là đường điện cao áp mới được nối lại tạm thời.

Cơ quan chức năng nói gì?

Sau rất nhiều lần liên lạc, cuối cùng chúng tôi cũng liên hệ được với ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch xã Hạ Sơn. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại ông Thanh cho biết, việc xây dựng các cột điện viễn thông này xã không biết, khi xảy ra vụ việc đáng tiếc này thì xã mới phát hiện ra là Công ty Đông Đông đã thi công được mấy ngày?

Sự thật việc này ra sao? Trải dài hơn 3 km, ngay sát cạnh bờ rào Trạm Y tế xã Hạ Sơn chỉ cách trụ sở UBND xã chừng 50 m cho đến Trại chăn nuôi lợn của Tập đoàn Masan là một dãy dài các cột bê tông viễn thông đã được dựng xong với khoảng 40 cột.

Mặt khác, qua trao đổi với gia đình nạn nhân T., chúng tôi còn được biết anh này là cán bộ địa chính của xã, ông Thanh và vợ anh T. lại là con chú con bác ruột. Hàng cột đã được dựng lên từ ngày 12/6/2018, tức là 14 ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn. Vậy, phải chăng việc thi công này là sự việc “vô hình” đối với chính quyền địa phương?

Trụ sở UBND xã Hạ Sơn chỉ cách hiện trường khoảng 50-70m

Tiếp tục làm việc với Điện lực Quỳ Hợp, đơn vị trực tiếp quản lý đường điện cao áp, ông Tạ Quang Lịch, Giám đốc chi nhánh cho biết: "Tập đoàn viễn thông Viettel và đơn vị thi công không thông báo, cơ quan điện lực cũng không biết, việc vi phạm hành lang lưới điện cao áp hoàn toàn do lỗi của các đơn vị này. Khi sự việc xảy ra thì Điện lực Quỳ Hợp đã ngay lập tức có mặt để khắc phục sự cố. Khi vào hiện trường thì phát hiện một đường dây cao áp 35 kv đã bị đứt rơi xuống vệ đường, một đầu cột viễn thông bị điện phóng cháy xém. Để bảo đảm cho trại chăn nuôi lợn của Tập đoàn Masan hoạt động bình thường, đơn vị đã lập tức đấu nối lại đường dây này".

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho biết, đường điện cao áp là tài sản của tập đoàn Masan, còn trách nhiệm bảo vệ hành lang lưới điện là của chung chính quyền địa phương và điện lực.

Vậy, việc được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý đường điện, bảo vệ hành lang lưới điện cao áp mà Điện lực Quỳ Hợp cũng không biết hơn 40 cây cột bê tông viễn thông đã được thi công ngay dưới lưới điện, trong hành lang lưới điện mà mình bảo vệ có phải là sự vô trách nhiệm hay không?

Hàng chục cột điện được dựng ngay sát tuyến lưới điện 35kv nhưng cơ quan điện lực và chính quyền không hay biết

Mặt khác, theo quan sát trực tiếp của PV tại hiện trường thì sau khi xảy ra sự cố trên, việc khắc phục nối lại đường dây cao áp cũng không đúng quy định của pháp luật và tiêu chuẩn an toàn lưới điện cao áp.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định: “Trong một khoảng cột, dây dẫn điện không được có mối nối, trừ dây dẫn điện có tiết diện từ 240 mm2 trở lên cho phép có mối nối cho một dây. Hệ số an toàn của dây dẫn điện không nhỏ hơn 2,5”. Đây là sự cẩu thả của cơ quan này, nếu xảy ra tiếp sự cố đứt đường dây cao áp này ai sẽ chịu trách nhiệm? trong khi đường dây này chỉ có tiết diện 70 mm2 (theo nguyên văn lời ông Lịch ).

Như vụ việc chúng tôi đã phản ánh, việc Tập đoàn Viettel đổ lỗi cho đơn vị thi công là Công ty CP Đông Đông, Công ty này lại đổ lỗi cho nhóm công nhân trực tiếp thi công các cột viễn thông này mà hiện nay 4 người đã chết. Chính quyền và Tập đoàn Masan cũng không biết, “vô hình” trước vi phạm nghiêm trọng hành lang, sự an toàn lưới điện cao áp phải chăng là sự đùn đẩy vô trách nhiệm của các cơ quan liên quan ?

Vậy ai phải chịu trách nhiệm theo các quy định của pháp luật?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 48, Luật Điện lực 2004 “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời với đơn vị điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện các hiện tượng mất an toàn điện, các hành vi vi phạm quy định và bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện”.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 17 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện nêu rõ: “1.Đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm :

- Kiểm tra THƯỜNG XUYÊN hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình. Khi phát hiện hành vi vi phạm phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi vi phạm, báo cáo và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó…”

- Khoản 2, Điều 25 của Nghị định này cũng quy định: “Trách nhiệm bảo vệ an toàn lưới điện cao áp: 2.- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình”.

Việc thiết kế, thi công, giám sát thi công của chủ đầu tư, đơn vị thi công các cột viễn thông ngay trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây cao áp đã vi phạm các quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định trên và các quy định khác theo Luật Điện lực 2014 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20/12/2012.

Vậy, việc Công ty cổ phần Đông Đông, Tập đoàn Viettel, UBND xã Hạ Sơn, Điện Lực huyện Quỳ Hợp, Tập đoàn Masan và UBND tỉnh Nghệ An không tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc thiết kế, thi công, giám sát các cột viễn thông, bảo vệ, vận hành hành lang, sự an toàn của lưới điện cao áp 35 kv này, để xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Đề nghị các cơ quan chức năng sẽ sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật để sự ra đi của 4 người con đất Hạ Sơn được thanh thản.

Tác giả: Tuấn Anh – Quang Minh

Nguồn tin: Thoidai.com

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP