Cuộc sống

Áp lực đè nặng trong lòng chị em là gì?

Có một thời, nói đến áp lực của chị em, người ta thường đề cập đến chuyện tình cảm, yêu đương và gia đình. Thế nhưng với nhiều phụ nữ hiện nay, áp lực lớn nhất của họ chính là áp lực về tiền bạc.

Ảnh minh họa

Chồng “hư” để lại món nợ lớn cho vợ

Mới đây trong một nhóm tâm sự thầm kín trên mạng xã hội, một thành viên trong nhóm nêu lên một vấn đề mang tính chất khảo sát xã hội. Thành viên đó viết: “Nói vào đây một áp lực đang đè nặng trong lòng bạn đi”. Sau hơn một ngày đăng tải, lời đề nghị này nhận được gần hơn 94 ý kiến bình luận của chị em. Những “áp lực trong lòng chị em” được nêu lên đó là: Áp lực về tiền bạc, áp lực mẹ chồng, áp lực về tình cảm, áp lực về gia đình; áp lực về con cái; áp lực về sức khỏe bố mẹ; thương mẹ; nhớ nhà; muốn có được chỗ ở bình yên; áp lực về công việc; áp lực về một người chồng vô tâm; chồng nhậu nhẹt; nợ ngập đầu…

Trong đó có những bình luận hết sức đáng ngại như: Chồng theo gái để lại cho mình số nợ quá lớn; mình khổ vì chồng lắm rồi; tất cả mọi thứ như đang muốn nhấn chìm tôi; Muốn biến khỏi thế giới này mãi mãi không quay lại…

Đặc biệt trong số 94 ý kiến bình luận thì có quá nửa số đó nói đế áp lực về tiền. Cụ thể có 54 ý kiến (gần 60%) cho rằng, họ đang bị chịu áp lực về tiền bạc, nợ nần.

Nỗi lo về tài chính là căng thẳng đối với tất cả mọi người, nhưng hiện nay nỗi lo này đang hiện diện ngày một rõ rệt trong đời sống của phụ nữ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo một cuộc khảo sát ở Mỹ, phụ nữ đang trải qua mức độ lo lắng cao hơn nhiều so với nam giới. Gần 30% phụ nữ báo cáo mức độ căng thẳng cao vì tiền, so với 17% của nam giới, trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Financial Finesse Inc, một tổ chức phi đảng phái có trụ sở tại California. Hơn nữa, 9% phụ nữ trả lời rằng họ đang trải qua căng thẳng tài chính áp đảo, "trái ngược với chỉ 3% nam giới báo cáo mức độ căng thẳng tăng cao như vậy.

Khảo sát của Finanical Finesse cũng cho thấy phụ nữ tuổi từ 30 - 44 có xu hướng bị căng thẳng nhất về tài chính, do việc tìm kiếm các trách nhiệm tài chính và cạnh tranh khắt khe hơn của nhóm tuổi như chăm sóc cha mẹ già, mua nhà, tiết kiệm hưu trí và chăm sóc trẻ nhỏ.

Giải phóng áp lực tài chính, phụ nữ cải thiện mối quan hệ

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, một lý do khác khiến cho phụ nữ dễ bị căng thẳng về tiền bạc mà những nghiên cứu trên không đề cập đó là, phụ nữ vốn sinh ra đã mang sẵn cái thiên chức là người cho đi, hy sinh nhu cầu bản thân mình cho chồng con, cho gia đình. Họ có thể trì hoãn việc hàn chiếc răng sâu để mua quần áo cho con đi học. Phụ nữ cũng có thể hy sinh sự nghiệp để dành thời gian nuôi dạy và chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ đã già. Phụ nữ thậm chí lấy cả tiền tiết kiệm, tiền hưu trí của mình để chi trả tiền học phí cho con cháu... Đó là sự hy sinh, là lòng vị tha của phụ nữ nhưng chính điều đó cũng đặt họ vào tình trạng tài chính bấp bênh.

TS Nguyễn Thị Kim Quý kể rằng, một phụ nữ 60 tuổi làm nghề giúp việc gia đình cho biết chị đi làm đến cuối năm sẽ nghỉ bởi chị mắc phải căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Số tiền chị kiếm được trong 5 năm đi làm giúp việc gia đình đang gửi tiết kiệm sẽ trở thành khoản tiền gửi ngân hàng để chị lấy tiền lãi đi chợ rau dưa. Thế nhưng cuối cùng cuối năm đó, chị đã dồn hết số tiền đó cho đứa con trai đã lập gia đình đi xuất khẩu lao động. Và chính bởi vậy, cuối năm đó, kế hoạch “nghỉ hưu” của chị bị phá sản. Chị tiếp tục đi lên thành phố làm nghề giúp việc gia đình. Mặc dù lưng đau, chân mỏi nhưng chị vẫn phải gắng gượng làm để kiếm chút tiền vốn cho tuổi già. Đây cũng là cách ứng xử khá phổ biến của phụ nữ, không chỉ ở người lớn tuổi mà cũng rất đúng đối với những chị em còn trẻ tuổi. Vì con cái, phụ nữ có thể cho đi hết. Nhưng một điều mà phụ nữ cần phải nhớ đó là, muốn cho con cái mình hạnh phúc thì bản thân các bà mẹ phải là người hạnh phúc và vững vàng trước tiên. Chị em luôn luôn cần một khoản “phòng thân” cho bản thân và cho chính gia đình mình. Chỉ khi nào có một khoản tiền “giắt lưng” thì chị em phụ nữ mới thoát khỏi áp lực nặng nề từ tiền bạc mang lại.

“Phụ nữ khi giải phóng được mình ra khỏi sức nặng của sự không chắc chắn về tài chính sẽ khôi phục lại cảm giác cân bằng. Điều đó sẽ giúp phụ nữ sẵn sàng làm tốt hơn các mối quan hệ vợ chồng, con cái, bạn bè và công việc sự nghiệp của mình…”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

Tác giả: Ngân Khánh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: Áp lực , phụ nữ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP