Xã hội

Ba người chết vì sập hầm thiếc: tang thương bản nghèo

Tang thương bao trùm cả bản nghèo sau vụ sập hầm thiếc làm ba người dân đi mót quặng chết ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Vụ việc đau lòng xảy ra vào chiều 13-3.

Khu vực hầm thiếc - nơi xảy ra vụ tai nạn sập hầm làm ba người chết - Ảnh: HUY NHÂM

Chiều 14-3, con đường dẫn về bản Chảo, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) - nơi có 3 người chết trong vụ sập hầm thiếc vào chiều hôm qua - phủ cờ tang trắng. Cùng một lúc, người dân bản Chảo phải tiễn đưa ba nạn nhân xấu số khi đi mót quặng. Tạm gác lại công việc đồng áng, bà con chòm xóm đến để phụ giúp gia đình các nạn nhân lo nhang đèn chuẩn bị đưa tang.

Vụ tại nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của ba người là ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (36 tuổi, vợ ông Tuấn) và chị Sầm Thị Hải (32 tuổi). Họ đều là những lao động chính trong gia đình và ra đi khi con cái còn thơ dại, để lại nỗi đau xót cho người thân, bà con dân bản.

Ông Lương Văn Thành - người họ hàng ông Tuấn - cho biết do cuộc sống khó khăn nên hai người con trai đầu của ông Tuấn phải bỏ học giữa chừng. Đứa con gái út mới học lớp hai lại bị não úng thủy, chậm phát triển. Những năm trước đây, khi còn các công ty khai thác quặng, mỏ đá thì vợ chồng ông Tuấn xin đi làm thuê, cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ngoài mấy sào ruộng.

Lực lượng chức năng phải dùng máy múc mở cửa hang cứu nạn các nạn nhân - Ảnh: HUY NHÂM

Từ khi các mỏ đóng cửa vì hết hạn, hai vợ chồng ông chuyển sang nghề mót quặng, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Tiền nợ xây căn nhà hai gian chưa trả hết thì tai họa bất ngờ ập xuống. "Chiều hôm qua tôi đang ở nhà thì nghe bà con gọi vợ chồng nó bị vùi lấp do hầm thiếc sập. Mọi người chạy đến nơi thì đường vào hầm bị bịt kín", ông Thành nhớ lại.

Lau những dòng nước mắt chảy dài lăn trên gò má, bà Lương Thị Lan - chị gái bà Hảo chưa thể hình dung ra cuộc sống sau này của 3 đứa cháu sẽ ra sao khi thiếu vắng đi bàn tay chăm sóc của cả cha và mẹ. "Sáng hôm xảy ra sự việc, em gái còn nói với tôi nhà vừa làm xong có chỗ che mưa che nắng, bây giờ hai vợ chồng chịu khó làm ăn, tích góp tiền để đưa đứa con gái út đi mổ mới có cơ hội sống, nào ngờ…", bà Lan nghẹn giọng.

Cách nhà vợ chồng ông Tuấn không xa, không khí tang thương cũng đang bao trùm lên gia đình anh Trương Văn Hiền. Vợ anh Hiền, chị Lương Thị Hảo, ra đi để lại cho anh hai người con đang tuổi ăn tuổi học và người mẹ năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Hoàn cảnh gia đình vợ chồng anh cũng rất éo le và khó khăn khi cả 5 miệng ăn đều trông chờ vào hai sào ruộng. Anh Hiền nói dù biết vào các hầm đã đóng cửa để mót quặng là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác để kiếm thu nhập nuôi con ăn học.

Anh Hiền - người may mắn thoát nạn trong vụ sập hầm - nhưng người vợ của anh không qua khỏi, để lại hai đứa con thơ - Ảnh: PHAN GIANG

May mắn thoát nạn trong vụ tai nạn, anh Hiền nhớ lại: "Lúc đó tôi và vợ ăn cơm trưa xong thì vào đi làm. Một lúc sau, vợ tôi chuyển sang vị trí cạnh vợ chồng ông Tuấn thì tôi nghe tiếng đất đá lở. Tôi chạy nhanh ra ngoài, nhìn lại thì thấy hầm đã sập". Sau đó, anh Hiền điện thoại về báo cho người thân đến hiện trường tìm kiếm, cứu nạn.

Ông Vi Đức Tiến - bí thư bản Chảo, xã Châu Hồng - cho biết hai gia đình gặp nạn mới thoát nghèo vào cuối năm 2018. Sau vụ tai nạn, khó khăn lại chồng chất khó khăn, nhất là với mấy đứa con còn thơ dại.

Trước mắt, huyện Quỳ Hợp hỗ trợ cho các gia đình có người bị nạn 5,4 triệu đồng/người. "Ở khu vực này có rất nhiều hầm mỏ cũ. Người dân lợi dụng vào khai thác lén lút kiểu thổ phỉ. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho bà con không đến tìm quặng ở các mỏ đã đóng, để tránh các vụ tai nạn có thể xảy ra" - ông Tiến nói.

Khoảng 14h20 chiều 13-3, tại mỏ thiếc Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn sập hầm làm 3 người cùng ngụ xã Châu Hồng đi mót quặng tử vong. Mỏ thiếc nơi các nạn nhân gặp nạn đã bị đóng cửa từ hơn ba năm qua.

Tác giả: PHAN GIANG - DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP