Tin trong tỉnh

Bài 2: Nghi vấn lâm trường Quế Phong ‘cắt xén’ tiền bồi thường của người trồng rừng

Lâm trường Quế Phong (Nghệ An) nhận bồi thường 7,8 ha cây keo lai trồng 6 năm (khoảng 468 triệu) nhưng chỉ phân chia cho các hộ nhận khoán hưởng 6,7 ha (402 triệu)?

Thực hiện việc bàn giao mặt bằng xây dựng dự án thuỷ điện Châu Thắng, ngày 16/4/2015, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) ban hành quyết định số 227/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Khu vực giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án thuỷ điện Châu Thắng

Tại quyết định này, Lâm trường Quế Phong được Công ty Cổ phần Prime - Quế Phong (chủ đầu tư) bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (nhà cửa, cây hoa màu và cây keo trồng) tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Biên bản kiểm kê hiện trạng, xác định giá trị bồi thường do Hội đồng bồi thường lập ngày 13/11/2014 thống kê có 9,8 ha cây keo lai trồng 6 năm (trồng năm 2008) trong đó có 7,8 ha trồng tại tiểu khu 89 và 90B là của các hộ dân nhận khoán.

Theo đó, diện tích 7,8 ha cây keo lai nói trên trồng tại: lô a+b (tiểu khu 89, khoảnh 14) diện tích 0,7 ha; lô k+l (tiểu khu 90B, khoảnh 12) diện tích 4,1 ha; lô d1+e1 (tiểu khu 90, khoảnh 6) diện tích 3,0 ha.

Ước tính số tiền mà các hộ nhận khoán trồng rừng được hưởng khoảng 468 triệu đồng. Số tiền này do ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Lâm trường Quế Phong thay mặt các hộ dân ký nhận (số tiền này nằm trong 1,4 tỷ đồng lâm trường Quế Phong được nhận).

Lâm trường Quế Phong được bồi thường 9,8 ha cây keo lai trồng 6 năm, trong đó có 7,8 ha trồng tại tiểu khu 89 và 90B là của người dân nhận khoán trồng năm 2008

Tuy nhiên, trong Biên bản làm việc về việc phân khai giá trị đền bù, hỗ trợ (giữa lâm trường Quế Phong và người trồng rừng) do ông Lê Đức Khánh cung cấp cho phóng viên ngày 29/8/2018 thì diện tích, số tiền tương ứng mà lâm trường Quế Phong chia cho các hộ trồng rừng đã bị “tụt” xuống bất thường.

Cụ thể, biên bản này thống kê diện tích keo được bồi thường tại: lô a+b là 0,5 ha (so với 0,7 ha); lô k+l là 3,7 ha (so với 4,1 ha); lô d1+e1 là 2,5 ha (so với 3,0 ha). Theo đó, tổng diện tích các hộ dân nhận khoán được hưởng chỉ có 6,7 ha (so với 7,8 ha), tương đương số tiền 402 triệu đồng. (thể hiện tại Phiếu chi ngày 30/5/2016 do ông Lê Đức Khánh ký).

Dễ dàng nhận thấy, với việc nhận bồi thường khoảng 468 triệu đồng nhưng lâm trường Quế Phong chỉ chi trả cho các hộ dân 402 triệu đồng thì số tiền chênh lệch là khoảng hơn 60 triệu đồng.

Biên bản làm việc về việc phân khai giá trị đền bù, hỗ trợ giữa lâm trường Quế Phong và người trồng rừng cho thấy người dân chỉ nhận được 6,7 ha cây keo lai (tương đương 402 triệu đồng). Biên bản này do ông Lê Đức Khánh cung cấp cho phóng viên, nhưng sau khi phóng viên phát hiện số tiền chênh lệch thì ông Khánh lại cho rằng biên bản này chỉ là bản nháp (?)

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao có sự bất thường nói trên? Ông Khánh lúng túng, lý giải rằng diện tích trong biên bản này sau đó đã được tính toán lại. Theo đó, ông Khánh nói biên bản vừa cung cấp cho phóng viên chỉ là “bản nháp” (?)

Phóng viên đặt câu hỏi vì sao diện tích thay đổi (nếu có như lời ông Khánh) nhưng số tiền chi trả không thay đổi mà vẫn chỉ có 402 triệu đồng thể hiện tại Phiếu chi ngày 30/5/2016 thì ông Khánh không trả lời được.

Tiếp đó, phóng viên đề nghị ông Lê Đức Khánh cung cấp biên bản phân khai tiền bồi thường cho các hộ nhận khoán có đóng dấu của lâm trường Quế Phong và chữ ký của những người liên quan. Lúc này ông Khánh cho biết biên bản này đang lưu giữ tại Công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu (công ty chủ quản lâm trường Quế Phong). Ông Khánh hẹn sẽ cung cấp sau.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc theo lịch hẹn ngày 7/9/2018 với ông Lê Đức Khánh tại Công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu, khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản nói trên thì ông Khánh nói không có biên bản này (?)

Lúc này, ông Khánh nói rằng giữa lâm trường Quế Phong và các hộ nhận tiền đền bù chưa từng làm việc với nhau, biên bản trên chưa từng tồn tại (!?).

Lúc này, phóng viên tiếp tục đề nghị giải thích rõ sự chênh lệch về diện tích, số tiền bồi thường lâm trường Quế Phong đã nhận và chi trả, ông Khánh chỉ ậm ờ, không thể giải thích rõ.

Phiếu chi ngày 30/5/2016 ghi rõ các hộ trồng rừng chỉ được nhận số tiền đền bù là 402 triệu đồng

Qua các tài liệu về việc nhận và chi trả tiền bồi thường của lâm trường Quế Phong như đã nói ở trên, việc đặt ra nghi vấn lâm trường Quế Phong “cắt xén” tiền bồi thường của các hộ dân trồng rừng là hoàn toàn có cơ sở.

Từ cách trả lời “tiền hậu bất nhất” của ông Lê Đức Khánh càng cho thấy vị giám đốc này đang cố ý che đậy những việc làm bất thường tại lâm trường Quế Phong.

Thiết nghĩ, Công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.

Trước đó, báo Gia đình Việt Nam đăng bài Nghệ An: Dân tố cáo giám đốc lâm trường và đầu nậu ‘hô biến’ hồ sơ để chiếm đoạt tiền phản ánh việc ông Nguyễn Văn Sơn (trú xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đề nghị điều tra ông Lê Đức Khánh (Giám đốc Lâm trường Quế Phong) và ông Lâm Hoài Dương (trú huyện Quỳ Châu, Nghệ An).

Theo ông Sơn, tháng 10/2015, ông này mua của ông Lâm Hoài Dương 50,3 ha cây keo lai trồng tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong nhưng khi khai thác thấy diện tích bị thiếu hụt. Từ đó ông Sơn biết được diện tích keo đã mua nằm vào phần giải phóng mặt bằng để xây dựng thuỷ điện Châu Thắng.

Ông Sơn cho rằng trước khi ông này khai thác thì một phần diện tích gỗ keo đã bị cắt để xây dựng đường điện, làm đường giao thông và xây dựng đập dâng thuỷ điện nhưng hồ sơ thiết kế khai thác do lâm trường Quế Phong thực hiện đã không trừ phần diện tích này ra. Từ đó ông Sơn cho rằng ông Lê Đức Khánh đã “bắt tay” với ông Lâm Hoài Dương xây dựng hồ sơ “khống” để lừa ông Sơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng thuỷ điện Châu Thắng thì lâm trường Quế Phong đã được bồi thường 7,8 ha cây keo chu kỳ trồng tại: lô a+b (tiểu khu 89, khoảnh 14) diện tích 0,7 ha; lô k+l (tiểu khu 90B, khoảnh 12) diện tích 4,1 ha; lô d1+e1 (tiểu khu 90, khoảnh 6) diện tích 3,0 ha.

Sau khi nhận tiền bồi thường 7,8 ha gỗ keo nói trên, lâm trường Quế Phong tiếp tục đưa diện tích này vào hồ sơ thiết kế khai thác để ông Lâm Hoài Dương bán cho ông Nguyễn Văn Sơn. Ông Lê Đức Khánh thừa nhận sự việc nói trên.

Trong đơn tố cáo, ông Sơn cho rằng có khoảng hơn 6 ha cây gỗ keo đã bị cắt. Tuy nhiên khi làm việc với phóng viên Gia đình Việt Nam thì ông lê Đức Khánh và ông Lâm Hoài Dương cho rằng diện tích gỗ keo vẫn đủ 50,3 ha.

Đáng chú ý, sau gần 2 năm gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra nhưng đến nay ông Sơn chưa nhận được văn bản trả lời.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...

Tác giả: Trọng Hùng - Xuân Lộc

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP