Trong nước

Bắt đầu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 thứ 2

Sáng 15/3, Covivac, vắc-xin phòng COVID-19 do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, được thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Vắc-xin Covivac được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên sáng nay. Ảnh: T.Hà

Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gồm 120 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-59, được tiêm 2 mũi/0,5ml cách nhau 28 ngày. Covivac là loại vắc-xin phòng COVID-19 “Made in Vietnam” thứ 2 được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng (sau Nano Covax của công ty Nanogen đang được tiêm thử nghiệm giai đoạn 2).

Người trẻ nhiệt tình hưởng ứng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 14/3, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho hay, nhóm 6 người đầu tiên sẽ được tham gia thử nghiệm vắc-xin sáng nay (15/3) gồm 2 nhóm từ 18-39 tuổi và từ 40-59 tuổi, tỷ lệ nam-nữ cân bằng nhau. “Đợt này, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, đặc biệt là giới trẻ từ 18-39 tuổi, các bạn đăng ký rất nhiều. Nhưng lượng người đăng ký 40-59 tuổi hạn chế hơn vì họ không sắp xếp được thời gian ở lại theo dõi sau tiêm 24 giờ. Hiện nay, chúng tôi đã thu nhận được 35 người từ 40-59 tuổi, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhóm nam nữ 18-39 tuổi đạt tiêu chuẩn rất nhiều, khoảng 50 người”, ông Thiểm nói.

Vì sao chỉ chọn tiêm thử nghiệm 6 người cho những mũi tiêm đầu tiên? Ông Thiểm giải thích: “Ban đầu, chúng tôi chọn 6 người để hoàn chỉnh lại quy trình tiêm, đồng thời thăm dò vì khi tiêm ít có thể có đủ điều kiện theo dõi, giám sát chặt chẽ. Từ 6 người này, sau 8 ngày khám lại xem sức khỏe của họ thế nào rồi mới tiêm nhiều hơn. Đợt sau dự kiến tiêm khoảng 15 người/đợt do cơ sở chỉ có thể bố trí được từng đó người theo dõi qua đêm. Nếu đủ cơ sở vật chất để theo dõi người tiêm thử trong 24 giờ, chúng tôi có thể tiêm cho 30-40 người/đợt mà không gặp khó khăn gì. Để chuẩn bị cho một đợt tiêm thế này, chúng tôi bố trí khoảng 30 nhân viên y tế trở lên để hoàn chỉnh cả quy trình”.

Hiện nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng Covivac cho giai đoạn đầu. Dự kiến, khi hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm cho nhóm thứ hai vào 9 ngày sau đó (dự kiến vào ngày 24/3). Việc tiêm chủng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, do Viện vệ sinh Dịch tễ T.Ư đóng vai trò thử nghiệm chính.

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, khẳng định, kết quả đánh giá bước đầu trên động vật thí nghiệm tại Mỹ cho thấy vắc-xin này có hiệu quả với biến chủng của SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi. Ông Thái cho biết, dự kiến, giai đoạn 1 tiêm 120 đối tượng chia làm 4 nhóm, trong đó có nhóm tiêm Covivac, có nhóm tiêm giả dược (chứa một thành phần tá dược có trong vắc-xin này). Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu từ tháng 7 sau khi có kết quả của giai đoạn 1 cũng như có kết quả sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc-xin. “Một người sau 2 tuần là có thể sinh miễn dịch, nhưng đây là quá trình thử nghiệm nên chúng tôi phải đợi tiêm hết cho tất cả những người tình nguyện rồi mới đánh giá kết quả. Quá trình tiêm rải rác theo từng đợt, sau đó đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch, rồi tổng hợp kết quả, phân tích số liệu để báo cáo lên Bộ Y tế. Quá trình này mất khoảng 3 tháng rồi mới bắt đầu giai đoạn 3”, ông nói.

Covivac được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Covivac được IVAC nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã qua nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người.

Hơn 10.000 người đã được tiêm chủng

Liên quan vắc-xin phòng đại dịch, Bộ Y tế cho biết, trong ngày thứ 6 triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca, cả nước có thêm gần 4.800 người được tiêm, nâng tổng số lên hơn 10.000. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, và thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. Một số cơ sở y tế tạm ngừng tiêm chủng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần này.

Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn và Nam Thành; các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3. Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, ngày 13/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm AstraZeneca.

Tối 14/3, Bộ Y tế cho biết có thêm 1 ca mắc COVID-19, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TPHCM. Bệnh nhân 2554 (nam, 46 tuổi) là chuyên gia Nhật Bản, tới sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3. Kết quả xét nghiệm ngày 12/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đến nay, có 10 tỉnh, thành phố tròn 1 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng, gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TPHCM.

Tác giả: Hà Minh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: vắc xin Covid-19 , Vắc-xin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP