Kinh tế

Bất thường nghi vấn Công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 25 triệu yên

Mặc dù một số hãng thông tấn, báo chí của Nhật đưa tin Công ty Tenma (Quế Võ, Bắc Ninh) đã hối lộ 25 triệu yên cho một số công chức Việt Nam, nhưng cả Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh đều phủ nhận.

Một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei...đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Bài viết trên báo Asahi của Nhật Bản

Báo Nhật đã viết thế nào?

Cụ thể, theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma- có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam- công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).

Các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma đã vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.

Theo cơ quan điều tra, khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản “phí điều chỉnh” cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Khoản “phí điều chỉnh” trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần.

Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã đưa ra với trụ sở về “sáng kiến” hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm được miễn khoản tiền trên.

Được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam để tránh khoản phụ phí. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).

Theo nguồn tin, vào ngày 1/4 năm nay, chính các lãnh đạo công ty tại trụ sở Tokyo đã tự nguyện khai ra những sai phạm này cho Văn phòng Công tố viên quận Tokyo. Mặt khác, vào ngày 1 đầu tháng này, trên trang web đã có công bố rõ rằng Chủ tịch Fujino sẽ đảm nhận những trách nhiệm này và sẽ được cho “nghỉ hưu” chính thức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6.

Tenma là công ty Nhật Bản bắt đầu hoạt động từ năm 1949. Theo báo cáo chứng khoán hàng năm, doanh thu bán hàng trong năm 2018 của Tenma là 84,8 tỷ yên với 7557 nhân viên trên toàn cầu.

Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh nói gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí ngày 21/5 về nội dung phản ánh trên của báo Asahi Nhật, ông Phạm Chí Thành, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên, lãnh đạo Cục Hải quan này đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng đoàn kiểm tra sau thông quan giải trình.

Ở thời điểm kiểm tra năm 2017, ông Phúc là Chi cục phó Chi cục kiểm tra sau thông quan của Hải quan Bắc Ninh, hiện ông này đang giữ chức vụ Phó phòng nghiệp vụ của Cục Hải quan Bắc Ninh.

Trụ sở Công ty Tenma Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Mạnh Quân

Theo ông Thành, việc kiểm tra sau thông quan tại Công ty Tenma VN có nằm trong kế hoạch nhưng qua kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng không phát hiện ra sai phạm bởi Công ty Tenma VN là doanh nghiệp chế xuất. Và theo Luật thuế Xuất nhập khẩu và quy định của ngành hải quan, doanh nghiệp chế xuất không thuộc đối tượng chịu thuế xuất, nhập khẩu.

"Cho nên, với riêng cơ quan hải quan, nếu thông tin trên báo Nhật nói rằng, cán bộ hải quan trao đổi với doanh nghiệp để giảm thuế là không có cơ sở", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, quá trình kiểm tra Tenma VN trước đây cũng "không có điều tiếng gì" và doanh nghiệp cũng đã thống nhất với kết luận của đoàn kiểm tra. "Nếu không thống nhất thì họ cũng đã có ý kiến rồi", ông Thành nói và cho biết thêm, vừa qua, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã làm việc và yêu cầu Cục Hải quan Bắc Ninh thông tin về sự việc này.

Bình luận về việc Chủ tịch hãng Tenma thậm chí đã từ chức để nhận trách nhiệm về sự việc như các báo Nhật Bản nêu, ông Thành nói rằng, "đó là chuyện nội bộ của họ, tôi không tiện bàn. Nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi là các đoàn đi kiểm tra doanh nghiệp Nhật thì gần như không có tiêu cực, nếu có tỷ lệ cũng rất thấp vì doanh nghiệp Nhật họ làm việc rất nguyên tắc".

Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh: Kế toán Công ty Tenma nói không biết có khoản chi đó!

Cũng trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 21/5, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cho biết, Cục này cũng mới làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh ngày 20/5.

"Chúng tôi cũng mới chỉ biết thông tin về việc này qua bài báo của báo Asahi, Hãng thông tấn Kyodo của phía Nhật Bản chứ chưa nhận được các thông tin chính thống. Thông thường nếu xảy ra việc như thế (thông tin hối lộ cán bộ), cơ quan chức năng của Nhật Bản họ sẽ gửi qua đường hiệp định, cung cấp chứng cớ để phối hợp làm rõ nhưng hiện nay là không có", ông Tòng cho biết.

Cũng theo ông Tòng, hiện nay Cục thuế Bắc Ninh cũng đã yêu cầu các thành viên trong đoàn kiểm tra thuế của Cục này có làm việc với Tenma giải trình, báo cáo thì nội dung đó, Cục thuế Bắc Ninh đã gửi báo cáo cho cơ quan chức năng.

Ông Tòng chỉ tiết lộ hiện nay Tổng giám đốc Tenma Việt Nam còn chưa sang Việt Nam do vừa rồi gián đoạn việc đi lại vì dịch Covid-19 nên cũng khó khăn trong việc cung cấp thông tin. Còn ông giám đốc tài chính của Công ty trong thời kỳ có các đoàn kiểm tra thuế, hải quan Việt Nam làm việc với Công ty này tuy biết tiếng Việt, lấy vợ Việt Nam nhưng đã không còn làm ở Tenma VN nữa.

"Kế toán công ty thì nói rằng không biết có khoản chi đó (khoản nghi là có hối lộ 25 triệu Yên-PV", ông Tòng nói.

Cũng theo ông Tòng, có đoàn kiểm tra của Cục thuế Bắc Ninh tại Tenma VN năm 2018 nhưng ở thời điểm đó cũng có đoàn kiểm toán KPMG tham gia quá trình tư vấn thuế cho Tenma VN và KPMG cũng chấp nhận hồ sơ thuế của Tenma VN.

Ông Tòng cũng cho biết, đoàn kiểm tra cũng có làm rõ 1 khoản phải truy thu công ty này và đã phạt 520 triệu đồng, tương đương 2,6 triệu Yên (Nhật) nhưng đây là khoản thu "hoàn toàn chính xác" và ở đây, Tenma VN không được hưởng cái gì.

"Tôi cũng nghĩ là có chuyện gì đó nhưng là chuyện nội bộ của mấy ông người Nhật với nhau chứ không liên quan gì đến phía Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp Nhật là họ không chuyện đưa phong bì", ông Tòng cho biết thêm.

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Tác giả: Mạnh Quân - Hương Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Công ty Tenma , hối lộ , Bắc Ninh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP