Giới trẻ

Bị "sờ gáy", nhóm Báo chốt 141 thay đổi "chiêu thức" sang chơi chữ, làm thơ

Để không bị "sờ gáy", nhóm Báo chốt 141 Hà Nội đã thay đổi hình thức thông báo bằng cách làm thơ, chơi chữ, thậm chí dùng tiếng nước ngoài... đến các thành viên. Tuy nhiên, những chiêu thức này sau đó cũng bị lộ tẩy.

Thông tin trên VOV, mới đây quản trị viên của nhóm Báo chốt 141 Hà Nội bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc. Người này có thể đối mặt với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng về hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Sau đó, các nhóm báo chốt tương tự bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động.

Theo đó, thay vì đăng tải hình ảnh hay viết rõ địa điểm có chốt CSGT, nhóm Báo chốt 141 Hà Nội đã dùng phép ẩn dụ, làm thơ, chơi chữ, dùng tiếng nước ngoài… để báo chốt cho các thành viên.

Ngoài ra, một số nhóm còn dùng cả ký hiệu mật mã để tiết lộ địa điểm có chốt của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để các thành viên biết mà... tránh.

Lý giải ở khía cạnh tâm lý, Thạc sĩ Vũ Yến Hà, Giảng viên khoa Xã hội học, trường ĐH Công đoàn cho rằng: "Các bạn ấy cho rằng, khi mình đưa ra các thông tin đưa ra các địa điểm báo chốt thì mình sẽ nhận được nhiều like, rồi mình sẽ nhận được sự tung hô". Và theo Th.s Hà, đây gần như là thú vui lệch lạc của một số bạn trẻ, xuất phát từ nhu cầu gây sự chú ý trên mạng xã hội.

Nhóm báo chốt thay đổi "chiêu thức" sang làm thơ, mật mã.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Thị Nhinh - Công ty Luật TNHH Minh Đức nêu quan điểm: "Nếu như việc đăng tải nhằm thông tin về an toàn giao thông, để người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật đấy là các hành vi không vi phạm pháp luật và không bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối với hành vi thông báo vị trí chốt thông qua hình thức không trực tiếp để đối phó với việc kiểm tra hoặc là để gây rối mất trật tự, để cản trở cảnh sát giao thông, thì đấy lại là hành vi vi phạm pháp luật", nguồn tin trên VOV.

Trước đó, theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 21/2, Công an TP.Đà Nẵng đã mời làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính ông N.Đ.C (32 tuổi, chủ tài khoản trang “Chốt KT nồng độ cồn Đà Nẵng”) và ông N.H.D (39 tuổi, chủ tài khoản trang “Nồng độ cồn Đà Nẵng!”).

Hai người này thừa nhận ngày 6 và 7/1 đã lập hai trang trên và hoạt động ở chế độ công khai, thường xuyên. Mục đích của hành vi này để các thành viên đăng tải nhiều nội dung, thông tin báo chốt, chỉ điểm CSGT và lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Công an lập biên bản vi phạm hành chính 2 ông này về việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật theo điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013. Sau đó, chưa rõ mức xử phạt 2 người này.

Sau đó, ngày 4/3, Công an TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) triệu tập anh Phan Văn Trung (trú phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) để làm rõ việc người này lập nhóm Zalo để chỉ điểm CSGT làm việc. Anh Phan Văn Trung đã khai nhận hành vi lập nhóm Zalo hoạt động ở chế độ công khai để các thành viên đăng tải nhiều nội dung, thông tin báo chốt, chỉ điểm những vị trí mà lực lượng CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn.

Căn cứ là điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Công an TP. Hà Tĩnh đã xử phạt hành chính anh Trung 5 triệu đồng. Cụ thể, anh Trung có hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên báo Pháp luật TP.HCM, Luật sư-TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng không đủ căn cứ để xử phạt anh Trung. Vì CSGT tuần tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông là hoạt động công khai, mọi người đều có quyền biết. Không thể xử phạt hành vi của một người đăng tải thông tin về một hoạt động công khai của cơ quan nhà nước. Nói cách khác, việc đưa thông tin về các địa điểm lập chốt của CSGT không cần phải có sự đồng ý của lực lượng CSGT.

Việc người dân cảnh báo trước cho người khác về hoạt động tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông cũng là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức tuân thủ giao thông. Mục đích là để người khác biết và chấp hành tốt các quy định giao thông. Cạnh đó, pháp luật không có quy định cụ thể về mục đích của hành vi thông báo chốt CSGT như thế nào thì mới gọi là sai.

Tác giả: Mộc Miên (T/H)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP