Kinh tế

Bộ Công Thương lo ngại 4 lý do khiến xuất khẩu Việt Nam gặp khó

Bộ Công Thương dự báo trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cùng các yếu tố rủi ro gia tăng, xuất khẩu trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, nhưng đối mặt với không ít khó khăn.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên mức cao mới kết hợp với xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc càng làm dấy lên những lo ngại về sự suy giảm của kinh tế toàn cầu. Bộ Công Thương dự báo trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Cơ quan này chỉ ra 3 lý do khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó khăn.

Thứ nhất, ngày 23/8, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 5% hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ôtô và phụ tùng ôtô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt 25% và 5%, từ 15/12.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã được đẩy lên mức cao mới. Ảnh: Reuters.

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nâng mức thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10) và sẽ áp mức thuế 15% cho 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9. Đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Các tổ chức quốc tế như IMF, WB... đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả 2 đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.

Thứ hai, ngày 27/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp chưa từng có (7,0810 NDT đổi 1 USD). Bộ Công Thương đánh giá điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới.

Giá nông sản được dự báo giảm sâu khi đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa.

“Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam”, Bộ Công Thương cho biết.

Thứ ba, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi nhiều nước có xu hướng quay lại đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Hơn nữa, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu.

Thứ tư, Bộ Công Thương cũng lo ngại việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam.

Bộ Công Thương khẳng định đang bám sát theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc trong thời gian tới để có sự phối hợp trong điều hành, xử lý các vấn đề có tác động tới Việt Nam.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP