Nhân ái

Bố tai nạn thập tử nhất sinh, 4 mẹ con gào khóc trong căn bếp đi ở nhờ

Trên đường đi làm về, anh bị tai nạn phải chuyển cấp cứu khẩn cấp lên bệnh viện Việt Đức. Hết tiền, không còn vay mượn được ở đâu nữa, 4 mẹ con đành phải đón bố về nhưng ngôi nhà cũng đã sập nên cả nhà phải tá túc nhờ ở gian bếp của gia đình người thân.

Hoàn cảnh bi đát đó là của gia đình anh Trần Văn Diệp (thôn Lạc Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) mà chúng tôi đã trở về thăm theo địa chỉ của lá đơn cầu cứu. Men theo đường bờ ao để vào được gian bếp nhỏ của người thân, đó là nơi trú ngụ của 5 con người nhà anh. Vì di chứng nặng nề của vụ tai nạn nên anh đã liệt toàn thân, không thể nói bên cạnh người vợ trẻ mắt kém chỉ cần di chuyển 1 đoạn cũng phải chống gậy cùng 3 đứa con thơ. Thấy chúng tôi đến thăm, anh ngước đôi mắt ươn ướt lên nhìn như một sự cầu xin khẩn thiết nhưng lại bất lực vì không thể cất lời.

Gia đình anh Diệp hiện đang ở nhờ căn bếp của người thân.

Ngôi nhà của anh Diệp hiện đã xuống cấp trầm trọng.

“Anh nhà em bị tai nạn cũng mấy tháng rồi chị ạ. Anh ấy đang trên đường đi làm về thì xô vào đống cát nên ngã đập đầu xuống đường, máu chảy lênh láng cả ra. Mọi người lúc đó phát hiện nên đã cho anh nhà em đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, nhưng bác sĩ bảo nặng quá nên chuyển lên tuyến trên là bệnh viện Việt Đức. Chồng em ở Việt Đức, lúc hết tiền không vay được ở đâu nữa thì em xin cho chồng em về nhà, nào ngờ về đến nơi thì nhà cũng sập từ lúc nào không biết”- Vợ anh Diệp, em Mai Thị Chiên nghẹn ngào tâm sự khi hai tay vẫn đang dỗ dành 2 con ngồi kế bên chồng.

Bản thân em Chiên mắt không nhìn rõ nên mọi sinh hoạt rất khó khăn.

Các con nheo nhóc chưa giúp được gì nên Chiên vừa chăm con, vừa chăm chồng.

Chồng đột ngột bị tai nạn, nhà thì lại sập nên mọi khó khăn đều dồn cả vào đôi vai gầy của Chiên gánh vác. Nhưng ngặt nỗi bản thân em cũng bệnh tật khi đôi mắt không nhìn được như bình thường mà lúc nào cũng nheo nhắm tịt lại nên mọi sinh hoạt gần như đều lần sờ, dò dẫm. Là con trai lớn, cậu bé Duy Dương (lớp 4) biết được cứ sẩm tối là mẹ không nhìn thấy gì nên ngoài giờ lên lớp, em đều nhanh chóng trở về nhà nấu cơm và trông 2 em nhỏ là bé Đại Nghĩa (4 tuổi) và bé Thu Thủy (1 tuổi) để mẹ còn nắn bóp tay chân cho bố.

“Bố con không nói được, bố chỉ nhìn con khóc thôi. Mẹ con từ ngày xưa mắt đã kém rồi nên không đi đâu xa hay tự làm được việc gì khi trời tối. Giờ nhà con cũng sập rồi nên chúng con ở nhờ ở đây để có chỗ cho bố con nằm” – Duy Dương thật thà tâm sự khi đang cột lại chiếc dây để chuẩn bị tập chân cho bố.

Cô bé Thủy (1 tuổi) và anh trai lớn (lớp 4) trông bố để mẹ đi tìm bé Đại Nghĩa (4 tuổi).

Những đứa trẻ đáng thương hiện cũng đang ở nhờ nhà bếp cùng bố mẹ.

Trong suốt cuộc nói chuyện, cô bé Thu Thủy cứ xảy ra là lại bò lổm ngổm lên người bố khiến anh Diệp càng đau đớn nhưng không thể làm gì được. Một tay giữ con, một tay Chiên lại quờ quạng lấy chiếc khăn lau mặt cho chồng, rồi chốc chốc lại kiểm tra cậu bé Nghĩa đang ở chỗ nào. Nhìn cảnh tượng trước mặt, tôi không thể tưởng tượng nổi lại có 1 gia đình lại khốn khổ đến vậy khi mà chỗ che nắng, che mưa cũng phải đi tá túc nhờ.

“Kia là ngôi nhà của vợ chồng anh Diệp đó chị ạ. Giờ nó sập xệ kéo xuống hết rồi nên khi mà anh từ viện trở về là chúng tôi đã vận động anh chị và các cháu sang ở nhà bếp này cho an toàn và để có chỗ đi lại cho mọi người thăm nom. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi tha thiết mong muốn được các cơ quan giúp đỡ cho gia đình anh để vợ chồng, con cái đỡ khổ phần nào”- Cũng có mặt ở đó, chị Nguyễn Thị Thoa, Phó chủ tịch hội phụ nữ xã Nghĩa Lâm ái ngại tâm sự.

Cậu bé Đại Nghĩa khoe bàn ngồi uống nước của cả nhà.

Cuộc sống khốn khó của gia đình không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ nữa.

Không có nơi để ở, cũng không có tiền để đi viện tiếp, thậm chí đến bữa ăn hàng ngày cũng phải đi cầu cứu những người hàng xóm xung quanh. Hiện tại gia đình anh Diệp đang lâm vào bước đường cùng, không có lối thoát nhưng lại không biết kêu ai. Nhìn những đứa trẻ, đói rách, bên cạnh người bố nằm liệt giường, thật tình chúng tôi không biết được ngày mai, ngày kia, chúng sẽ sống ra sao khi mà cái ăn cũng không có.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3161: Em Mai Thị Chiên (thôn Lạc Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Số ĐT: 0349.479.659

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP