Số hóa

Bphone cần làm gì để thành công?

Bphone 2018, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ ra mắt trong thời gian tới. Những thông tin rò rỉ, hình dáng sản phẩm đã bắt đầu xuất hiện và định hình. Và vấn đề lại được đưa ra thảo luận là Bphone làm gì để thành công?

Kể từ khi Bphone ra mắt năm 2015 đến nay, nó đã luôn thu hút được sự chú ý, khen chê đủ cả. Nguyên nhân một phần bởi Bkav "bị ghét" vì cách truyền thông "nổ" – luôn gắn với "nhất" hoặc khiến cho người ta hiểu lầm là "nhất" - đồng nghĩa "tuyên chiến" với lực lượng fan khổng lồ sẵn có của Apple, Samsung...

Tuy nhiên, chiếc smartphone "Made in Việt Nam" này phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn, đó là tiêu chuẩn kép. Với Bphone, một mặt, người ta nằng nặc quy kết nó là một chiếc smartphone Trung Quốc nên giá phải rẻ và chất lượng không thể tốt, đồng thời mặt khác lại đòi hỏi sản phẩm phải tốt hơn nữa, tính năng cao cấp hơn nữa.

Bphone phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là tiêu chuẩn kép.

Vì vậy, qua quan sát có thể thấy nhà sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, Tập đoàn Bkav đã phải tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ với các nhà báo, đại diện các diễn đàn, blogger... để công khai quy trình từ thiết kế đến sản xuất, lắp ráp Bphone, thay vì đáng lẽ họ có thể tập trung thời gian, sức lực để nghiên cứu, đổi mới công nghệ.

Thời gian trôi đi, thể hiện rõ qua sản phẩm Bphone 2 cho thấy vấn đề này không còn nặng nề như trước, nhưng nó vẫn còn và sẵn sàng được thổi bùng lên khi cần thiết. Vậy làm thế nào Bphone không còn bị áp tiêu chuẩn kép và thành công?

Năng lực công nghệ là cách truyền thông tốt nhất

Ngay từ đầu, Bkav đã định vị Bphone là smartphone cao cấp và quyết không ngồi "chung chiếu" với smartphone Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng đó là bước đi sai lầm vì Bphone mới gia nhập cuộc chơi nên cần phải đi từ dưới lên như các nhà sản xuất Trung Quốc với công thức kinh điển: đạo, nhái hàng hiệu bán với giá rẻ. Tuy nhiên, nếu như vậy, vấn đề không chỉ là tự trói mình vào khung giá rẻ như giải thích của Bkav mà còn bị cuốn theo cuộc chơi chạy đua về giá – tức đầu tư lớn mà bản thân doanh nghiệp không thể tự kiểm soát. Thực tế cũng chứng minh một số công ty công nghệ tên tuổi trong nước bán điện thoại mác Việt giá rẻ đã phải từ bỏ cuộc chơi.

Làm theo mô hình phát triển như Samsung, Apple – tăng trưởng bằng thực lực công nghệ - là một lựa chọn rất khó, nhưng có cơ hội thành công vì có thể giữ được thế chủ động dựa trên năng lực công nghệ. Trong các trả lời phỏng vấn, kể cả trước khi có Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng, TGĐ Tập đoàn Bkav luôn tin rằng trí tuệ người Việt không hề thua kém ai. Ông và các kỹ sư Bkav đã nỗ lực thể hiện điều đó ở Bphone đầu tiên.

Bphone thế hệ đầu tiên với thiết kế cá tính, cấu hình mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự "ngon" như chính thừa nhận của CEO Nguyễn Tử Quảng.

Chiếc smartphone cao cấp Việt Nam đầu tiên có thiết kế bóng bảy và khác biệt, rất cá tính khi đặt cạnh các smartphone tiếng tăm khác. Nó được trang bị cấu hình "khủng" nhất khi đó, phần mềm được tuỳ biến trên nền tảng Android chú trọng đến trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa thực sự "ngon", như chính thừa nhận của ông Nguyễn Tử Quảng sau này. Máy chạy bị nóng, bắt sóng kém, phần mềm chưa ổn định, có tích hợp công nghệ mới nhưng chưa thực sự hữu dụng.

Đến Bphone 2017, sản phẩm đã được hoàn thiện tốt hơn, hình thức gần gũi hơn, khắc phục được những hạn chế của người tiền nhiệm và đã phần nào thực hiện được nhiệm vụ "chinh phục niềm tin" của người tiêu dùng Việt Nam như CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã nói.

Tuy nhiên, mới chỉ có hai đời Bphone, còn quá sớm để nói lên điều gì trong khi các công ty tham gia cuộc chơi smartphone này muốn thành công cần phải có kiên nhẫn.

Bphone mới chỉ trải qua 2 thế hệ và còn quá sớm để nói lên điều gì.

Hơn một thập kỷ trước, những chiếc iPhone đầu tiên nhận được lời khen nhưng cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích: đắt đỏ, không có bàn phím vật lý, màn hình cảm ứng không có bút, không có 3G... nói chung là không hoàn hảo. Không ai nghĩ iPhone có thể lặp lại thành công của iPod.

Chúng ta khó có thể quên được dòng máy Galaxy S của Samsung trước khi trở thành dòng smartphone chủ đạo trên toàn cầu như hiện nay, nó từng chỉ là những chiếc smartphone ra mắt làng nhàng qua các kênh nhà mạng Mỹ.

Nhưng với mỗi lần lặp lại mới – tung ra các tính năng, trải nghiệm nhờ sự đổi mới công nghệ - những iPhone, Galaxy S đã được người tiêu dùng nhận thức và bắt đầu tạo sự phấn khích, trở thành những chiếc smartphone được nhiều người trông đợi.


Tựu trung, bất kỳ nhà sản xuất nào tìm kiếm sự bùng nổ ngay lập tức sẽ phải thất vọng. "Hữu xạ tự nhiên hương" chỉ đến sau khi thị trường ghi nhận một loạt sản phẩm tiến bộ, chất lượng ra đời.

Do vậy, Bphone 2018 và cả những Bphone đời sau nữa phải đảm đương trách nhiệm này. Tiếp tục kiên trì với triết lý dựa vào năng lực công nghệ như lựa chọn ban đầu. Thực tế những gì Bkav đã thể hiện là có thể tin được, nhất là về phần mềm. Gần đây nhất, Bkav là người đầu tiên cảnh báo về sự không an toàn của bảo mật khuôn mặt của iPhone X – tính năng được Apple quảng bá rất mạnh. Hay trước đó là cảnh báo của Bkav rằng bảo mật mống mắt của Samsung Galaxy Note có thể bị đánh lừa.

Nếu Bphone 2018 là một sản phẩm flagship thì nó hẳn phải có thông số phần cứng tương xứng, nhưng quan trọng là đừng tham lam nhồi nhét tất cả những tính năng xu hướng nhất có thể. Thay vào đó, hãy thử dự đoán nhu cầu của khách hàng và kiểu cách sử dụng đang hướng đến đâu và chế tạo ra một chiếc smartphone đáp ứng được chúng. Bên cạnh đó, yêu cầu thiết yếu là phải đảm bảo mọi thứ hoạt động ổn định, chất lượng tốt.

Hãy cứ nhìn vào thực tế để thấy, phần mềm smartphone Samsung không phải là tốt, thậm chí là khó chịu như bàn phím, nhưng Samsung không chịu cải tiến và cũng chả mấy ai kêu. Nguyên nhân vì Samsung có nhiều khách hàng và phần lớn khách hàng chấp nhận sử dụng ứng dụng thay thế của bên thứ ba mà không phiền.

Bphone cần phải có cách tiếp cận khác. Phần mềm dễ sử dụng, song chưa hình thành tập khách hàng lớn và thỉnh thoảng chưa ổn định nên khi gặp những phản ánh như vậy sẽ dẫn đến cái nhìn thiếu tích cực về sản phẩm, bất chấp việc lỗi xảy ra đối với sản phẩm công nghệ là hiện tượng bình thường, có thể bắt gặp ở bất cứ sản phẩm nào, của hãng nào.

BOS cần chau truốt hơn nữa và nâng cao độ ổn định.

Do vậy, các kỹ sư Bkav cần tiếp tục duy trì quan điểm quan tâm tới trải nghiệm người dùng như đang làm hiện tại nhưng cần chau chuốt hơn nữa để các ứng dụng hoàn thiện hơn, thông qua đó sẽ dẫn khiến người dùng thấy "nghiện" với những tiện ích mà Bphone mang lại. Mặt khác giảm bớt tuỳ chỉnh Android vì bất kỳ sự tuỳ chỉnh mạnh tay nào cũng chỉ làm cho điện thoại bị sa lầy hơn và thường bị các fan Android "hard core" chỉ trích (Samsung Galaxy S bắt đầu nhận được đánh giá tốt hơn chỉ sau khi hãng bớt tuỳ chỉnh TouchWiz).

Bphone cũng cần phải có những cải tiến công nghệ mà đối thủ có nhưng làm sao cho chúng đơn giản, chứng minh chúng có thể được sử dụng để làm cho mọi thứ dễ dàng hơn, nhanh hơn, hơn là trình diễn về thông số hoặc có những widget mới nhất.

Không giống phần cứng có thể thường xuyên thay đổi, phần mềm có khả năng ăn sâu vào tâm trí người dùng và trở thành thói quen sử dụng, thậm chí là "nghiện" sử dụng như Apple đã làm được với iOS.

Đa dạng hoá phân khúc, trợ giá bán máy

Mặc dù dòng Galaxy S và Note đắt tiền của Samsung được biết đến/ thảo luận nhiều nhất nhưng thành công của Samsung lại đến từ các dòng máy Samsung A và J giá rẻ hơn. Điều này phản ánh một hiện thực: phần đa người dùng không bỏ đến 20 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại chỉ đáp ứng nhu cầu chụp ảnh, lướt web là chính. Ngày càng khó cho các nhà sản xuất cho ra các tính năng gây kinh ngạc, trong khi thời lượng pin, camera của những điện thoại trên dưới 10 triệu đồng là có thể chấp nhận được với hầu hết người dùng kỹ tính. Đó là chưa kể, phân khúc thị trường 5-7 triệu đồng rất lớn với đối tượng khách hàng đông đảo. Do vậy, Bphone không thể "bảo thủ" chỉ mỗi năm cho ra một sản phẩm phân khúc tầm 10 triệu đồng.

Thông tin nội bộ gần đây cho biết Bphone 2018 sẽ có nhiều tầm giá khác nhau. Không rõ đây là chiến lược từ đầu hay Bkav đã lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ thị trường nhưng dù thế nào, Bphone sẽ có phiên bản tầm giá 7-8 triệu đồng hoặc thấp hơn. Trong trường hợp này, Bkav phải lưu ý không được giảm chất lượng. Phần cứng tương đương trên thị trường, nhưng chất lượng hoàn thiện chau chuốt, tỉ mỉ như cách Bkav đã làm với Bphone cao cấp thì đó sẽ là điểm cộng của Bphone tầm trung so với đối thủ.

Bphone cần đa dạng hóa phân khúc và có thêm các phiên bản tầm trung, phổ thông.

Một thông tin đáng chú ý khác là Bphone 2018 sẽ được phân phối qua các nhà mạng. Mặc dù hiện tại phần đông khách hàng vẫn mua điện thoại tại các cửa hàng nhưng nếu chính sách bán hàng qua nhà mạng hấp dẫn, chẳng hạn như chương trình trợ giá máy Bkav hợp tác với MobiFone dịp kỷ niệm 25 năm thành lập MobiFone, thì Bphone không khó mở rộng thị trường. Trong trường hợp này, nếu tính ra thì cả ba bên đều có lợi: nhà sản xuất tiêu thụ được sản phẩm mà không tốn kém nhiều chi phí cửa hàng, nhà mạng phát triển thuê bao mới/ giữ chân thuê bao, còn người tiêu dùng có thể sở hữu ngay những mẫu smartphone mới nhất, cao cấp với giá phù hợp với tất cả hầu bao.

CEO Bkav tuyên bố tại lễ ra mắt Bphone 2017 rằng Bkav đã có một kế hoạch dài hạn để Việt Nam có một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt làm chủ. Hy vọng với những tính toán, kế hoạch bài bản, Bkav có thể biến điều này đang trở thành hiện thực bởi nếu Bkav không làm được thì cũng chẳng có ai làm vì quá nhiều khó khăn.

Tác giả: Triệu Sơn

Nguồn tin: vnreview.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP