Tin trong tỉnh

Cải tạo hào thành cổ Vinh, dự án trăm tỷ chưa kịp kỳ vọng đã thất vọng

Dự án cải tạo hào thành cổ Vinh (Nghệ An) được kỳ vọng sẽ mang đến diện mạo cho di tích này, đặc biệt là thay đổi môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Thế nhưng, dù mới hoàn thành cách đây không lâu nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Vỡ mộng”

Những ngày gần đây, người dân sinh sống tại hào thành cổ Vinh (Nghệ An) luôn phải đóng kín cửa nhà do mùi hôi thối bốc lên nồng nặc xuất phát từ dòng nước đen ngòm. Không khó để có thể phát hiện nguyên nhân là do rác thải chất ứa tụ lại tại cống thoát nước, khiến cuộc sống hàng ngàn người dân bị đảo lộn. Ông Nguyễn Hữu Trung (SN 1967), trú tại khối 5, phường Đội Cung, TP.Vinh bức xúc cho hay: “Những ngày bình thường đã bốc mùi hôi thối, thế nhưng đặc biệt là những hôm trời nắng thì càng khó chịu hơn. Dù chúng tôi đã đóng chặt cửa, bật quạt suốt ngày nhưng không cải thiện được tình hình. Cứ như thế này chắc chắn sức khỏe người dân sẽ bị ảnh hưởng”.

Theo ông Trung, ô nhiễm không chỉ kéo dài trong vài ngày qua mà đã diễn ra trong nhiều tháng. Tại các cuộc họp, người dân liên tục phản ánh lên các cấp chính quyền, nhưng chỉ nhận được những lời hứa sẽ cố gắng thông dòng chảy. Không ai tin được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang xảy ra tại di tích bậc nhất đô thị loại I này.

Bùn thải lấp đầy dòng chảy khiến cho nước sông đen ngòm.

Dạo quanh hào thành cổ, PV ghi nhận mặt hào một màu đen kịt, váng bọt bẩn cùng rác thải nổi kín bề mặt, bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, ở bất cứ đoạn đường nào cũng có thể thấy sự hiện diện của rác thải. Có đoạn, nhiều bao bì ken cứng chất thải chất thành đống, qua thời gian không được thu dọn, mủn mục, vương vãi bề mặt đường. Đáng nói, dự án nâng cấp, cải tạo hào xung quanh thành cổ Vinh mới hoàn thành cách đây không lâu. Dự án được phê duyệt từ năm 2014 và được khởi công vào năm 2016, với tổng đầu tư hơn 130 tỷ trên diện tích quy hoạch 6,475ha, qua địa bàn 3 phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung (TP.Vinh).

Liên doanh nhà thầu công ty TNHH Hòa Hiệp và công ty TNHH Thịnh Hưng đảm nhiệm thi công, với các hạng mục chính: Nạo vét, xây dựng tường chắn dọc 2 bờ mương, xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải, xây mới tuyến mương bên trong thành cổ và tuyến mương bên ngoài thành cổ, xây dựng 6 cửa xả và 6 hố ga tách nước thải. Dự án được hoàn thành vào năm 2018, trong sự kỳ vọng lớn từ người dân sẽ được sống bên dòng nước trong xanh, thơ mộng và đặc biệt là điểm nhấn du lịch của TP.Vinh.


Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, người dân lại cảm thấy “vỡ mộng” khi môi trường không hề thay đổi. Đặc biệt, vào tháng 1/2019, vì tình trạng nước bị ô nhiễm, cùng với sự thiếu ổn định về thời tiết, phần lớn cá rô phi trong hào thành cổ đã chết. Trong đó, tại con mương rộng khoảng 3m nối ra hào thành cổ Vinh tại tổ dân phố số 4, khối 9, phường Cửa Nam, TP. Vinh, cá chết dồn lại dày đặc tạo thành một lớp phủ trắng toàn bộ mặt nước. Ông Nguyễn Cảnh Hào, trú phường Cửa Nam, TP.Vinh cho biết: “Mấy ngày trước nước đột ngột chuyển sang màu đen đặc như mực sau đó cá bắt đầu chết hàng loạt nổi trắng trên kênh. Có những vị trí, cá chết dồn về dày đặc thành từng lớp... mùi hôi tanh khiến người dân không thể chịu nổi. Chúng tôi cũng đã kiến nghị thực trạng trên lên phường để có phương án xử lý, thế nhưng do cá chết quá nhiều nên vớt không xuể”.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng TP.Vinh tích cực vào cuộc thì tình trạng này mới dần giảm, tuy nhiên số lượng cá chết vẫn xảy ra. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng xác định nguồn nước bị ô nhiễm nặng là nguyên nhân khiến cá ở kênh hào thành cổ Vinh chết hàng loạt. Phải đến tháng 10/2019, nhờ trận mưa lịch sử diễn ra mấy ngày liên tục ở Nghệ An mới khiến nước trong hồ được cải thiện. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 1 tháng, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn.

Ô nhiễm là do nước thải của người dân?

Ông Trần Văn Trí, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP.Vinh xác nhận, tình trạng ô nhiễm hào thành cổ là có thật và hiện đang ở mức báo động. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là do người dân xả thải sinh hoạt xuống lòng hào. Để giải quyết việc này, phường đã có văn bản chỉ đạo các khối dân cư và người dân thực hiện việc đổ rác đúng nơi quy định, không xả thải xuống lòng hào; Đề nghị với công ty hạ tầng đóng cửa cống giữ nước, dâng nước cao lên để hạn chế mùi hôi thối.

“Vào Thứ Bảy, Chủ Nhật, phường huy động hàng trăm người từ các lực lượng để vớt rác thải do người dân vô ý thức ném xuống dưới hào. Cụ thể, phường mua hàng chục cái vợt, thuê xuồng đẩy rác về hai bên, cứ mỗi tháng sẽ thực hiện một lần ra quân. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị công ty hạ tầng một tuần vớt rác một lần”, ông Trí nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Giám đốc kỹ thuật ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho hay: “Các hộ dân cứ nghĩ sau khi xây dựng xong hào thành cổ thì nước bẩn sẽ hết, thay vào đó nước sạch nhưng không phải thế. Lượng nước bẩn pha loãng vẫn chảy vào hào bình thường. Mực nước trong hào phụ thuộc vào lượng mưa lại không thu gom rác thải trực tiếp tại các hộ gia đình nên lượng nước thải pha loãng nằm ở trong hào, thời tiết ít mưa, lượng nước thải sẽ cô đặc dần và bốc mùi hôi thối”. Theo ông Phong, dọc kênh hào thành cổ Vinh có nhiều nguồn nước thải sinh hoạt của người dân. Người dân còn xả rác xuống lòng hào thành, tập kết rác gần hào. Trong khi đó nước sông chỉ có một chiều, và mương nước cấp 2, cấp 3 của địa phương chưa đạt nên mới dẫn đến tình trạng trên. Để giải quyết vấn đề, thời gian tới, thành phố và tỉnh đang xúc tiến một dự án tiếp theo từ vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) để giảm thiểu ô nhiễm. Theo đó, đơn vị đề xuất thành phố làm thí điểm và mở rộng hệ thống cống thu gom rác thải. Trong chương trình, WB sẽ đầu tư cho phường Cửa Nam; còn các phường lân cận hào thành cổ như Đội Cung, Quang Trung thì thành phố sẽ bố trí kinh phí đầu tư.

Còn thời điểm hiện tại, trách nhiệm quản lý công trình hào thành cổ được UBND TP.Vinh chuyển giao cho công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh. Để quản lý, công ty này sẽ phải tổ chức đội ngũ cán bộ, công nhân thường xuyên theo dõi công trình để phát hiện, thống kê các trường hợp vi phạm lấn chiếm, các công trình trái phép, lập biên bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý; phối hợp với chính quyền địa phương, thanh tra đô thị giải tỏa các điểm bị lấn chiếm, điểm đổ phế thải; phát hiện và khôi phục lại vị trí mốc giới bị mất, bị lấn chiếm; giám sát các đơn vị thi công về biện pháp dẫn dòng hoặc các công trình xả nước ra mương; phát hiện các điểm kè sông bị sụt lở, rạn nứt, các vị trí cửa xả bị đắp chặn...

Về việc này, ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh cho biết thêm, thành phố cũng giao các phường Quang Trung, Đội Cung, Cửa Nam tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp hộ dân lấn chiếm hành lang, vỉa hè xung quanh khu vực hào thành; Nghiêm cấm các hộ dân trồng rau, để vật liệu rác thải, dọc theo vỉa hè bao quanh hào thành cổ, vứt rác hoặc để rác thải rơi xuống lòng hào; Tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ cảnh quan khu vực.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP