Bạn cần biết

Cấp cứu trẻ bị đuối nước sao cho đúng cách?

Ngày 24-6 là ngày đau đớn đối với một gia đình nghèo ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình khi bỗng dưng mất đi 3 đứa con nhỏ trong cùng một buổi chiều. Nguyên nhân là do cả 3 chị em rủ nhau đi tắm sông, không may trượt xuống hố và đuối nước.

Câu chuyện đau lòng của gia đình họ không phải quá hiếm gặp mà ở dọc khắp đất nước Việt Nam mỗi năm vẫn có hàng nghìn trẻ tử vong do đuối nước. Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) năm 2017, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích).

Đối với tai nạn đuối nước, để phòng đuối nước thì điều quan trọng nhất là trẻ phải biết bơi. Bên cạnh đó, trong trường hợp trẻ bị ngạt nước thì điều quan trọng quyết định đến sự sống còn của trẻ chính là việc sơ, cấp cứu đúng cách, kịp thời. Trường hợp 3 cháu nhỏ ở Quảng Bình, khi được mọi người đưa lên khỏi mặt nước và dùng nhiều biện pháp cấp cứu trong đó có hô hấp nhân tạo nhưng đã không thể cứu do các cháu ở dưới nước quá lâu.

Việc cấp cứu nạn nhân đuối nước đúng cách rất quan trọng trong việc bảo toàn tính mạng cho nạn nhân. Ảnh minh họa

May mắn hơn là trường hợp cháu bé 5 tuổi ở Hà Nội khi theo mẹ đến bể bơi để xin học bơi đã tự ý nhảy xuống nước trong lúc mẹ đang trao đổi với giáo viên dạy bơi. Cháu bé được vớt lên nhanh chóng và sơ cứu kịp thời nên đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau đó cháu bé được đưa đến BV cấp cứu và điều trị viêm phổi do nước tràn vào.

Theo Bác sỹ Trần Văn Trung, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi, BVĐK Xanh-Pôn, khi trẻ bị đuối nước, phản xạ đầu tiên là trẻ co thắt thanh quản, tiếp sau đó là phản xạ làm nước và các chất bẩn, dị vật sặc vào phổi dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu, thay đổi về khối lượng tuần hoàn dẫn đến tử vong. Nếu cứu được, nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn ở phổi rất cao. Khi bị đuối nước, thời gian thiếu ôxy của nạn nhân càng dài khả năng tử vong càng cao và di chứng càng nặng nề. Do vậy, đối với trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu sớm và đúng cách ngay tại hiện trường là rất quan trọng để cứu sống trẻ và giảm thiểu các di chứng do thiếu ôxy não.

Bác sỹ Trung cho biết, việc làm đầu tiên đối với một nạn nhân đuối nước đó chính là phải giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Theo đó, nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước cần ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì vớ được, kể cả người cứu nạn.

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ theo các bước: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách; Đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, khô ráo, thoáng khí; Trường hợp trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Trong trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực trẻ có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái; lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng miệng ngay lập tức.

Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới BV sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não, bác sỹ khuyến cáo.

Để phòng tránh đuối nước ở trẻ, học sinh cần được dạy bơi lội và biết kỹ thuật sơ cấp cứu để biết tự cứu mình cứu bạn khi bị đuối nước. Bể nước, cống rãnh, miệng giếng... phải có nắp đậy an toàn. Nếu học sinh đi học miền sông nước bằng ghe, thuyền thì cần phải có đồ dùng bảo hộ như phao cứu sinh và có người lớn đi kèm. Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.

Tác giả: Vân Hà

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: đuối nước , cấp cứu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP