Bạn cần biết

Chạy xe máy thế nào trên quốc lộ, để không bị CSGT thổi phạt lỗi lấn tuyến?

Trên nhiều tuyến đường có kẻ vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ. Nếu có biển báo quy định xe máy, xe gắn máy chạy ở làn phía trong làn xe thô sơ thì không được phép lấn tuyến.

Vạch kẻ đường 3.1 thường nằm ở các tuyến đường quốc lộ, cao tốc

Theo một lãnh đạo đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM), vạch kẻ 3.1 là vạch giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy hoặc vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ.

Vạch kẻ này dùng để xác định mép ngoài phần đường xe chạy hoặc phân cách làn xe cơ giới và xe thô sơ, tùy đặc điểm của từng tuyến đường. Tuy nhiên, xe cơ giới (trong đó có xe máy, xe gắn máy) có thể đi được vào làn xe thô sơ trong một số trường hợp cần thiết nhưng phải nhường đường cho xe thô sơ.

Một CSGT thường xuyên tuần tra các tuyến quốc lộ cho biết, việc xe máy lưu thông trên đoạn đường có vạch kẻ 3.1 thì xe máy được phép chạy ở cả hai làn đường dành cho xe thô sơ và dành cho xe cơ giới. Đối với đoạn đường cùng một chiều có 3 làn đường thì xe máy được phép chạy ở làn giữa và làn đường phía trong. Nơi có 2 làn đường cùng một chiều thì xe máy được chạy trên tất cả 2 làn đường.

Trong trường hợp quy định các loại xe máy, xe gắn máy chạy trên làn đường nào cũng còn tuỳ thuộc vào từng nơi, từng đoạn đường cụ thể. Nếu nơi nào có biển báo hiệu quy định các loại xe máy, xe gắn máy phải chạy trên làn đường bên trong làn xe thô sơ thì các phương tiện đó không được phép chạy lấn ra làn bên ngoài.

Theo Quy chuẩn 41/2016, khi sử dụng vạch 3.1 để xác định mép ngoài phần xe chạy (phần lề gia cố có kết cấu tương đương với kết cấu mặt đường được coi là phần xe chạy) thì mép ngoài cùng của vạch cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15 đến 30 cm đối với đường thông thường và sát với làn dừng khẩn cấp đối với đường ôtô cao tốc. Vạch giới hạn mép phần đường xe chạy được áp dụng trên: đường cao tốc, đường có bề rộng phần đường xe chạy từ 7,0 m trở lên và các trường hợp cần thiết khác.

Khi sử dụng vạch 3.1 để phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ thì khi bề rộng phần đường cho xe thô sơ phải đảm bảo tối thiểu 1,5 m mới kẻ vạch này, nếu không đủ 1,5m thì không bố trí vạch phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ (xe cơ giới và xe thô sơ chạy chung).

Khi làn đường xe thô sơ nhỏ hơn 2,5 m thì không cần bố trí vạch mép ngoài phần xe chạy phía lề đất. Chỉ bố trí làn đường dành riêng cho xe thô sơ khi mật độ xe thô sơ lớn hoặc trong trường hợp cần thiết khác. Khi tách làn xe cơ giới và xe thô sơ riêng thì phải sử dụng biển báo hoặc kết hợp sơn chữ “xe đạp” trên làn xe thô sơ. Xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.

Trường hợp tổ chức giao thông cho xe máy chạy chung làn với xe thô sơ thì phải sử dụng biển báo hoặc kết hợp sơn chữ “xe máy“, “xe đạp” trên làn này. Xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.

Quy cách vạch 3.1 như sau: Vạch 3.1a là vạch đơn, liền nét, bề rộng vạch b = 15 cm - 20 cm. Vạch 3.1b là vạch đơn, nét đứt, bề rộng vạch b = (15 cm - 20 cm); khoảng cách nét liền L1 = 0,6 m; khoảng cách nét đứt L2 = 0,6 m. Tỷ lệ L1/L2 = 1:1.

Tác giả: Phạm Hữu

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP