Giới trẻ

Chú rể 'khóc ròng' vì mời 200 khách nhưng chỉ đến đủ 5 mâm

Quá 12h mà vẫn trống 14-15 mâm cỗ, Vương Long chuyển từ sốt ruột sang lo lắng rồi buồn bã và thất vọng.

Buổi sáng ngày 19/3 ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) trời mưa to; nhưng đến trưa nắng lên khiến chú rể Vương Long, 24 tuổi, thở phào nhẹ nhõm. Hôm ấy là đám cưới của Long và cô dâu tên Mây, nhà ở huyện Mèo Vạc, cách đó 250 km. Long sợ thời tiết xấu sẽ khiến các khách mời không thể có mặt.

Vương Long bên cô dâu Mây, 22 tuổi.

Mời cỗ lúc 11h mà 12h các khách mời của Long vẫn chưa đến đủ. Đếm đi đếm lại, anh thấy chỉ khoảng 35-40 người đã ngồi vào bàn tiệc. Chú rể thấy sốt ruột, đi ra đi vào rồi bốc máy gọi điện thúc giục. Kẻ thì không trả lời, người cáo bận xin phép đến chơi sau. Thấy con trai lo lắng, bố của Long an ủi: "Cỗ nhà làm được, nếu ế thì mang biếu họ hàng". Bà con đùa Long rằng số cỗ còn dư đủ cho cả nhà ăn đến cuối tháng.

Đường vào nhà Long được bê tông hóa, cách bến xe trung tâm thành phố khoảng 60 km. Sau khi xuống xe, khách có thể di chuyển vào đó bằng taxi hoặc xe ôm. Chú rể người dân tộc Dao kể vậy để nhấn mạnh quãng đường tới dự đám cưới của vợ chồng anh không hề vất vả. "Tôi không nghĩ chuyện thiệt hơn hay vài trăm nghìn bỏ phong bì. Tôi buồn vì các bạn không bớt thời gian tới uống rượu mừng", Vương Long bộc bạch.

Long chia sẻ anh là người nhiệt tình với bạn bè. Các mối quan hệ từ lúc học cấp hai trên thị trấn, cấp ba ở trường THPT Dân tộc nội trú và đồng nghiệp cùng làm khi ở Hà Nội... đều được Long giữ gìn. Đám cưới một người bạn ở Bắc Giang, anh cùng Mây xin nghỉ phép về tận nơi bưng tráp. Sau đó, vì phụ chạy cỗ và đi rước dâu mất mấy ngày nên Long bị ông chủ cho thôi việc. Những đám cưới không thể đi dự, chàng trai Dao luôn gửi phong bì. Anh bảo người dân tộc quan trọng nhất chữ "tình"; của cải, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.

Cỗ cưới của Vương Long có 7 món được chế biến từ lợn, gà do gia đình nuôi.

Vương Long và Mây yêu nhau từ lúc học cấp ba. Đợi bạn gái tốt nghiệp Đại học Luật, Long quyết rước cô về bằng một đám cưới tươm tất. Nhà trai hôm ấy giết 4 con lợn nặng gần ba tạ, 45 kg gà quê để làm 70 mâm cỗ, mỗi mâm 7 món. Số lợn, gà được gia đình Long nuôi trong thời gian dài hoàn toàn bằng rau sạch.

Hơn 20 người trong nhóm làm cỗ phải thức từ đêm hôm 18/3 để giết lợn, vặt lông gà. Bố Long liên tục nhắc nhở mọi người nhanh tay kẻo khách đến mà vẫn chưa có cỗ. Gần 11h ngày 19/3, những người họ hàng và láng giềng lác đác có mặt. Gia chủ dọn lên mâm cơm đĩa gà luộc, thịt nướng, thịt rang cháy cạnh, lòng xào dưa, nem, rau thập cẩm, xôi và canh xương mời khách.

Khách ngồi kín 55 mâm nhưng khách của chủ rể chỉ chừng 40 người. Long cho biết đã gửi đi 150 thiệp mời và mời hơn 50 người qua điện thoại. Trừ hao những khách bận việc không thể đến, Long nghĩ số người có mặt cũng phải được 20 mâm, mỗi mâm 7 người. Còn trên thực tế lượng cỗ gia đình Long dùng đãi bạn chú rể chỉ là 5 mâm cỗ. 15 mâm còn lại mang mời những vị khách đến sau bởi 20h mới tàn tiệc. Cuối ngày, gia đình Long vẫn thừa khoảng 10 mâm cùng thực phẩm chưa chế biến. Anh chia ra thành các túi mang biếu những người giúp đám cưới như đội nấu cỗ, nhóm dựng rạp...

Buồn vì nhiều người bạn vắng mặt trong ngày trọng đại của mình nhưng Long vẫn hạnh phúc bởi số khác không ngại xa xôi về chia vui cùng anh. Một đồng môn của Long hiện học Học viện Nông nghiệp ở Hà Nội đã xin nghỉ để tới dự đám cưới. Vài người khác bận công việc vẫn cố gắng thu xếp đến uống cùng Long chén rượu hỷ.

Quá trưa mà các bàn tiệc vẫn trống khiến gia đình Long buồn bã.

Tác giả: Lam Trà

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP