Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là sự kiện chính trị quan trọng

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV sáng 20/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước trước Quốc hội ngày 23/10/2018.

Khái quát kết quả kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, được khẳng định trong Nghị quyết chung của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh việc, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

“Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này. Điều đó, theo Chủ tịch Quốc hội, có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo Quốc hội cũng khái quát, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện. Việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra. GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các tầng lớp nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và trong 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Điểm lại phiên chất vấn đặc biệt để giám sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của lãnh đạo các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chủ tịch Quốc hội nhận định, phiên chất vấn cho thấy các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.

Cũng liên quan đến hoạt động giám sát, tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Tuyên bố bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP