Bạn cần biết

Chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sởi bùng phát và cách phòng ngừa

Bệnh sởi thường gặp ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng do chưa đến tuổi tiêm hoặc mắc bệnh khác phải hoãn tiêm hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, mắc bệnh khác.

Theo ghi nhận, 11 tháng đầu năm 2018, riêng Hà Nội có gần 4.700 bệnh nhân sởi; TP.HCM cũng xuất hiện nhiều ca mắc sởi. Đáng chú ý, Hà Nội chỉ là một trong 10 tỉnh thành có số mắc sởi cao trong năm 2018. Các chuyên gia nhận định, năm 2018 là năm chu kỳ dịch sởi (thông thường 3-5 năm/vụ dịch).

Bệnh sởi thường gặp ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng do chưa đến tuổi tiêm; mắc bệnh khác phải hoãn tiêm hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, mắc bệnh khác. Do vậy, sẽ có một tỷ lệ bệnh diễn biến nặng sau khi mắc sởi.

Ông Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh sởi sẽ có nguy cơ lây lan mạnh hơn, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn khi có các điều kiện thuận lợi như: Tập trung đông người, thời tiết mùa đông xuân. Bệnh có thể lây lan mạnh nhất từ ba ngày trước khi sốt đến sau khi hết sốt. Sau đó, có thể phát tán mầm bệnh trong từ 2-4 tuần sau đó nhưng với nguy cơ lây bệnh ít hơn.

Bệnh sởi có nguy cơ lây lan mạnh hơn vào mùa Đông

Các biến chứng nặng sau khi mắc sởi thường gặp là: viêm phổi nặng do vi khuẩn hoặc virus khác, do vậy bệnh sẽ diễn biến rất nặng. Nếu trẻ khoẻ mạnh thì bệnh thường diễn biến lành tính và không có biến chứng.

Hiện, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi ở 57 tỉnh thành phố trong cả nước với mục tiêu đạt tỉ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung một mũi vắc xin sởi-rubella (MR); Bảo đảm an toàn và chất lượng tiêm chủng theo nghị định số 104/2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị sởi, việc vệ sinh sạch sẽ rất cần thiết, chỉ cần chú ý không làm trẻ bị lạnh. Nếu không tắm cho trẻ, nguy cơ bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác dễ gây lên các biến chứng khác.

Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến đường hô hấp đã có vắcxin phòng ngừa bao gồm: vắcxin phòng cùng lúc hai bệnh sởi-rubella (MR), vắcxin phòng bệnh viêm màng não mô cầu, vắcxin cúm mùa, ho gà, bạch hầu, quai bị. Người chăm sóc trẻ cần liên hệ với cơ sở y tế phường để được tư vấn, hướng dẫn lịch tiêm cụ thể đối với từng loại vắcxin.

Tác giả: Triệu Vy

Nguồn tin: VietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP