Giới trẻ

Chuyển giới tính, bị bố đẻ kỳ thị là “đồ Pê-Đê”, cầm gậy đánh

Là con trai nhưng sở thích, tính cách lại hoàn toàn giống con gái, Minh Anh nhận không ít sự kỳ thị của bạn bè. Vì không chấp nhận con trai “biến” thành con gái, bố Minh Anh thường xuyên mắng chửi, trút giận lên 2 mẹ con Minh Anh.

Không dám đi vệ sinh vì sợ bạn bè

Cách đây một năm, Minh Anh (tên thật C.V.M, 23 tuổi, Nghệ An) vẫn là một chàng trai da đen nhẻm, không dám trang điểm, mặc váy điệu đà và lo sợ về giới tính thật của mình. Thế nhưng, từ ngày Minh Anh hiểu ra rằng, phải đối diện với mọi thứ thì mới có thể tìm lại được chính mình, Minh Anh đã tự thay đổi.

Tất cả những gì của Minh Anh ngày hôm nay giống như bước ngoặt về cuộc đời của cô. Cô sinh ra trong hình hài một cậu bé, là con trai cưng của bố mẹ. Nhưng từ khi học mầm non, Minh Anh lại thấy mình có sự khác biệt, không thích chơi với con trai, luôn làm bạn cùng con gái. Minh Anh thích làm tóc điệu, nhảy dây và chẳng bao giờ đụng đến những trò chơi như bắn bi, bóng đá…

Đến năm học cấp 2, Minh Anh bắt đầu hình dung ra bản thân quá khác so với những bạn trai trong lớp. Bạn bè, hàng xóm bắt đầu xì xào, bàn tán, thậm chí còn ghép cho Minh Anh “yêu” một bạn trai khác trong lớp. Bực bội, cáu giận vì bạn bè đùa hơi quá nhưng Minh Anh chẳng biết phải làm sao, không biết phải gọi tên “căn bệnh” đó của mình là gì, chỉ biết, cô thực sự muốn làm con gái.

Khi biết được giới tính thật, Minh Anh đã hoàn toàn "lột xác" thành cô nàng xinh đẹp.

Khi bước chân vào cánh cổng đại học, Minh Anh tình cờ biết đến cái tên “giới tính thứ 3” và đã tham gia, hoạt động trong nhóm này. Từ đây, cô hiểu ra giới tính thật của mình. Đó cũng là quãng thời gian khá khó khăn đối với cô.

Minh Anh phải chịu đựng bao nhiêu bao nhiêu nước mắt và máu mà vẫn không một ai thừa nhận, đồng cảm hay thương xót cho giới tính thật của cô. “Khi đến lớp tôi bị các bạn trêu chọc, nghe mãi cũng quen nên tôi bắt đầu khép mình lại, sống như một cái bóng. Lùi lũi đến lớp rồi ra về không ai hay. Cả thời đi học, tôi không dám đi vệ sinh, cả nhà vệ sinh nam và nữ vì sợ các bạn sẽ lột quần áo tôi ra chế giễu, xem cơ thể tôi có giống đàn ông không. Đến năm học đại học thì có đỡ hơn vì trường học 7 tầng, nhà vệ sinh trên tầng 7 ít người đi lên. Chính vì thế, mỗi khi “bí” qua tôi lại leo lên tầng 7 để tiện hơn. 4 năm học hầu như không bạn nào biết tôi thường xuyên lên đó, tôi đã tự mình vượt qua mọi thứ”, Minh Anh chia sẻ.

Chấp nhận mọi nỗi đau để được là một cô gái trọn vẹn

Không chỉ có bạn bè, mà ngay cả gia đình “dành” cho Minh Anh nhiều nỗi đau. Từ khi Minh Anh còn nhỏ, bố mẹ cô đã hiểu ra vấn đề của “con trai” mình. Bố Minh Anh luôn hằn học và quát mắng “mày giống con gái, đồ Pê-Đê”. “Nghe bố nói vậy, mẹ tôi liền lên tiếng bênh vực “con mình nó không phải con gái, nó chỉ hiền với nhút nhát thôi”.

Nhưng càng lớn lên, mọi thứ của Minh Anh lại càng chứng minh Minh Anh mang thân thể con trai nhưng lại là con gái. “Bố rất hay trút giận vô cớ lên người tôi. Mỗi khi ở quê có hội chung, mời hàng xóm, anh em đến ăn uống. Khi nghe họ trêu tôi giống con gái, bố tôi tức giận cầm cả thanh củi to đánh tôi. Mẹ tôi có lên tiếng bênh vực thì bố đánh cả hai mẹ con.

Đó là quãng thời gian hoảng sợ và đầy tổn thương nhất trong cuộc đời tôi. Từ ngày đi học đại học, tôi ít về nhà vì sợ những lời mắng, chửi của bố. Bởi, đôi khi có những chuyện không liên quan đến tôi bố cũng vin vào để chửi. Tôi biết, bố thất vọng vì con trai mình sinh ra không được như ý muốn. Nhưng tôi cũng không có quyền lựa chọn, chỉ mong bố hiểu và đồng cảm cho tôi thôi”, Minh Anh bày tỏ.

Minh Anh chấp nhận mọi nỗi đau, vượt qua chính bản thân mình.

Minh Anh còn cho biết, hàng xóm khi biết được giới tính thật của cô vẫn thường hay trêu đùa “không mang bạn gái về à, bao giờ thì lấy vợ, bạn mày lấy vợ hết rồi”. Nghe vậy Minh Anh chỉ cười. Bởi, những lời nói đó đã quá quen thuộc, cô dường như chai sạn khi bị đem ra chế giễu.

Có lẽ, tâm hồn một cô gái bị trói buộc quá lâu trong hình hài con trai khiến Minh Anh day dứt, cô quyết định làm việc chăm chỉ, gom tiền tiêm hoóc môn để điều chỉnh nội tiết. Cô muốn để tóc dài, trang điểm, mặc quần áo điệu đà, thậm chí là phẫu thuật để chuyển giới thành con gái.

“Đầu tháng 7/2017 tôi bắt đầu sử dụng hoóc môn để muốn được sống thật với bản thân mình. Tôi biết, tiêm hoóc môn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Khi bắt đầu sử dụng hoóc môn, tất cả các cơ trên cơ thể tôi mỏi nhừ, thường xuyên tức ngực, đau tim. Tiêm mũi nào là tôi biết ngay vì tê hết người lại. Hơn nữa, tâm lý tôi thay đổi, bất ổn, hay cáu gắt, mọi ham muốn giảm rõ rệt. Thế nhưng, tôi vẫn chấp nhận để thay đổi số phận, chấp nhận nỗi đau để được là một cô gái trọn vẹn”, Minh Anh tâm sự.

Câu chuyện can đảm sống thật với giới tính của Minh Anh khiến nhiều người nể phục. Minh Anh nói rằng, hiện tại cô vẫn chưa thực sự trọn vẹn như những gì mình mong muốn, nhưng trong thời gian tới Minh Anh sẽ tích cóp tiền để thay đổi thêm vài thứ nữa trên cơ thể. Cô mong rằng, mọi người hãy nhìn người chuyển giới với một ánh mắt thiện cảm hơn, đừng vì giới tính của họ mà đẩy họ đến bước đường cùng, gánh chịu những tổn thương không đáng có.

Trong buổi hội thảo tham vấn về một số quy định của dự thảo luật Chuyển đổi giới tính, TS. Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng vụ Pháp chế - bộ Y tế) nhấn mạnh về hành vi nghiêm cấm đối với người chuyển đối giới tính: “Không kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bạo lực đối với những người có mong muốn chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính. Không cản trở gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, hoặc có các hành vi trái pháp luật khác. Không triệt sản bộ phận sinh dục mà người đó không đồng ý. Không bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do chuyển đổi giới tính. Không tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân khi người chuyển đổi giới tính không đồng ý. Không lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ pháp luật”.

Tác giả: Mai Hằng

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP