Nhân ái

Cơ cực người đàn bà chăm chồng ung thư, em chồng bị mù lòa

Đỡ chồng dậy uống ngụm nước, cô Minh lại lật đật chạy ra với cô em gái chồng bị mù lòa mà cô đã chăm sóc hơn 40 năm qua. Cả cuộc đời sống cơ cực, ngậm ngùi trong nước mắt, người đàn bà bé nhỏ này chưa một lời than vãn bởi tình yêu và sự hi sinh không đo đếm được.

Cô là Nguyễn Thị Minh ở thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Quần xắn ống thấp, ống cao, cô đội chiếc nón cũ mèm đã ngả một màu đen kít, chạy vội vã ở đồng về vì được người hàng xóm nhắn chồng ở nhà đang gọi. Nằm bẹp trên chiếc giường nhỏ kê sát ở góc nhà là chú Nguyễn Viết Kế (chồng cô Minh), chú bị mắc căn bệnh ung thư gan đã di căn nên sức khỏe khá yếu. Giọng thều thào, yếu ớt, chú bảo: “Chẳng biết còn sống được bao lâu nữa cô ạ, tôi giờ nằm đây chỉ thương bà nhà tôi cả 1 đời sống khổ sở, giờ lại phải chăm tôi thế này”.

Cô Bòng (em gái chồng cô Minh) đã bị mù hơn 40 năm qua.

Vừa dứt lời, chú phải xoay người ôm ngực bởi những tiếng ho sặc sụa, rít liên hồi đến rút ruột, rút gan. Căn bệnh quái ác treo sẵn trên đầu chú án tử đủ sức bào mòn và tàn phá toàn bộ cơ thể khiến chú kiệt quệ, héo mòn. Xót chồng, cô Minh lại nhẹ nhàng hỏi han chú đau ở đâu, rồi lật đật đi lấy chiếc khăn mặt cũ để lau mặt cho chồng. Vừa cầm chiếc khăn, cô ngậm ngùi như bật khóc: “Ông nhà tôi đau đớn lắm, chẳng đêm nào ngủ ngon cả. Nhiều đêm tôi thức trắng ngồi xoa bóp chân tay cho ông ấy thì may ra mới thiếp đi được vài phút nhưng rồi lại đau, lại kêu, tay lại phải bám chặt tay vào thành giường cô ạ”.

Vừa chăm em gái chồng mù lòa, cô còn chăm chồng bị bệnh ung thư gan giai đoan muộn.

Chồng đã thế, nằm ở giường kế bên là cô em gái chồng Nguyễn Thị Bòng năm nay cũng đã lớn tuổi. Không nhìn thấy gì vì đôi mắt đã lòa nhưng cô cảm nhận được nỗi đau mà anh chị mình đang phải gánh chịu nên nhíu mày khóc. Thấy em như vậy, cô Minh lại vội vã chạy sang cầm lấy đôi bàn tay em như dỗ dành, an ủi. Cô cứ vậy, âm thầm, lặng lẽ ở bên chăm sóc em gái chồng thấm thoắt đã ngoài 40 năm trong sự cảm phục, mến yêu của bà con trong thôn, ngoài xã.

Cùng có mặt tại gia đình cô Minh, chú Nguyễn Đình Thảo - Trưởng thôn Ngang Nội cũng không khỏi xúc động: “Cô này thì vất vả lắm. Trước chồng đi làm xa, một tay cô chăm các con và cô Bòng. Dù là em chồng, lại cảnh mù lòa vậy mà cô Minh ân cần lắm, đợt cả hai cô còn trẻ, tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần cô Minh cõng cô Bòng này đi các nơi để cố chữa cứu đôi mắt nhưng không được”.

Đó là những ngày tuổi trẻ, những ngày mà mái đầu còn đen và sung sức, giờ thì cả 2 cô đã già, đã bạc cả gần nửa mái đầu của mình. Thương em bao nhiêu, cô Minh lại càng tự nhủ cả cuộc đời này sẽ ở bên cạnh, chăm sóc, yêu thương em cho đến khi mình không còn nữa thì thôi. Chính tình cảm này khiến chú Kế càng cảm thấy day dứt khi chưa giúp được gì cho vợ đã mang bệnh vào người để giờ tiếp tục trở thành gánh nặng.

Chú Kế luôn cảm thấy day dứt và có lỗi với vợ vì không giúp gì được lại trở thành gánh nặng cho cô Minh.

Cuộc sống của 3 con người khốn khổ quay vòng trong sợ hãi vì nghèo.

Căn nhà nhỏ, hắt hiu và lạnh lẽo, đôi bàn tay chân gầy của người phụ nữ nhỏ cứ liên tục di chuyển giữa 2 chiếc giường để quán xuyến mọi việc. Thương chồng, thương em, cô chẳng còn nước mắt để mà khóc, tự nhủ lòng phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho cả hai nhưng cơ cực, khổ sở trăm bề.

“Cũng vì tôi nghèo quá cô ạ, tôi chỉ mong mình có thể có được chút tiền để cho ông ấy tiếp tục đi điều trị và thuốc thang cho cả em Bòng nữa nhưng khó lắm. Tôi thì chỉ quẩn quanh với ruộng đồng thôi nên lo đủ được bữa ăn thôi cô ạ” – Cô Minh ngượng ngùng tâm sự khi đôi mắt đang trực trào nước.

Cứ thế bao nhiêu nỗi lo chồng chất cả lên đôi vai bé nhỏ của cô Minh để một mình cô phải gánh trọn. Chồng bệnh, em gái chồng đau, cô chẳng biết làm gì để có tiền, chỉ biết bám trụ lấy ruộng đồng để lo cho đủ cái ăn. Rồi đây sẽ là dồn dập những cơn đau của chồng và những lần em gái chồng tủi thân ngồi khóc… Liệu cô còn đủ sức để đảm đương khi mỗi ngày tuổi già lại kéo đến?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3120: Cô Nguyễn Thị Minh (thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Số ĐT: 0969.998.420

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP