Giáo dục

Cô giáo ở Hòa Bình: 'Nâng điểm thi không nguy hiểm cho xã hội'

Tự bào chữa, giáo viên ở Hòa Bình cho rằng hành vi gian lận, nâng điểm của mình không nghiêm trọng, không gây nguy hiểm cho xã hội như viện kiểm sát khẳng định…

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan trình bày tại tòa.

Sáng 15/5, các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 – 2018 tại tỉnh Hòa Bình được quyền tự bào chữa trước đề nghị phạt họ án tù của đại diện viện kiểm sát.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan - giáo viên trường THPT Lạc Long Quân kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ Văn năm 2018 đã liên tục bật khóc và cho biết rất hối hận về hành vi của mình.

Bị cáo Loan bị kiểm sát viên đề nghị nhận từ 2 – 2 năm 6 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã trực tiếp yêu cầu các cán bộ chấm thi nâng điểm môn Ngữ Văn cho 10 thí sinh.

Đại diện viện kiểm sát cũng đánh giá, hành vi của bà Loan và 14 bị cáo khác trong vụ là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT; ảnh hưởng uy tín của ngành, xúc phạm danh dự của giáo viên; ảnh hưởng kết quả học thật, thi thật của học sinh.

“Nếu vụ án không bị phát hiện, các cá nhân gian lận sẽ vào làm việc trong cơ quan nhà nước, việc này sẽ đẩy xã hội về đâu?” – người giữ quyền công tố đặt câu hỏi

Được tự bào chữa, bị cáo Loan thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng: “Hành vi phạm tội của bị cáo không nghiêm trọng và không gây nguy hiểm cho xã hội, chỉ làm mất niềm tin, danh dự cho bản thân và mọi người”. Bị cáo này mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về làm người tốt.

Trình bày lý do phạm tội, bà Loan cho biết đã nhận thông tin các thí sinh từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình sau đó yêu cầu giáo viên trong tổ mình nâng điểm.

Bị cáo trình bày, chấm lệch điểm vì nghĩ đó là hành vi có lợi và: “Không gây tổn hại cho học sinh nên đã cần mẫn làm một việc sai trái”. Cô giáo này lý giải, phạm tội do nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí nên xảy ra sai lầm cộng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật.

Bị cáo này nói thêm: “Chưa bao giờ nghĩ vì chấm thi mà bị đi tù. Biết vậy bị cáo sẽ bỏ nghề từ lâu để không phải đứng trước toà như ngày hôm nay. Phiên toà kết thúc cũng là lúc bị cáo bị đuổi khỏi ngành giáo dục và sẽ không còn cơ hội để phạm tội như này nữa”. Nữ giáo viên cho biết rất rất ân hận và không ngờ sự năng nổ nhiệt tình của mình lại trở thành tình tiết buộc tội bản thân.

Bà Loan đề nghị tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình như có nhiều năm công tác, liên tục là giáo viên dạy giỏi môn Ngữ Văn… Đặc biệt, bà Loan cho rằng mình chủ động khai báo giúp cơ quan điều tra bắt giữ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên và việc này khiến bản thân thấy "đau đớn vô cùng".

Tác giả: X.A

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP