Tin trong tỉnh

Có hay không "cò đấu giá" lộng hành trong các phiên đấu giá đất tại huyện Nghi Lộc?

Nhiều xã tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tổ chức thực hiện bán đấu giá đất ở. Điều đáng nói, người dân bất ngờ thấy xuất hiện hàng chục đối tượng lại mặt đến “quây” để “dàn xếp” trong những phiên đấu giá.

Cắn răng "chi ngoài" vài trăm triệu để thắng thầu?

Người dân tại xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) phản ánh đến PL&DS, câu chuyện đấu giá đất ở tại xã Nghi Kiều dù đã diễn ra trước đó khoảng một tháng nhưng vẫn chưa hết “nóng”. Nếu phiên đấu giá đúng pháp luật có lẽ sẽ không có gì để bàn nhưng với những “vụ dàn xếp” của nhiều đối tượng lạ “xâm nhập” vào, trong đó có cả những đối tượng có “máu mặt” tại địa phương.

Quá trình tiếp xúc, ghi nhận câu chuyện đấu giá đất tại xã này đã khiến chúng tôi không khỏi “giật mình”. Thời gian qua, trước tình trạng “cò đấu giá” có dấu hiệu “lộng hành” trong các phiên đấu giá, UBND tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác chỉ đạo trên nhiều phương diện, bao gồm cả phương thức tổ chức các buổi đấu giá đất để “cò đấu giá đất” hết “đất sống”. Nhưng với ghi nhận thực tế của chúng tôi, việc chấn chỉnh nghiêm ngặt tình trạng "cò đất" chưa có sự khả thi.

Bà L, một người dân tại xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) khá vui khi đấu được mảnh đất với giá “phải chăng”, nhưng để có được miếng đất này, gia đình bà đã phải chấp nhận “xuống tay” tới trên 200 triệu đồng “tiền cò dàn xếp”.

Nhiều người dân tại xã Nghi Kiều đã phải chấp nhận "xuống tay" hàng trăm triệu đồng cho "cò" để có thể lấy được mảnh đất ở được đấu giá

Bà L cho biết: "Giá miếng đất mua được từ phiên đấu giá tương đương với giá khởi điểm là 600 triệu đồng. Nhưng do trước khi phiên đấu giá được mở, miếng đất gia đình tôi cần mua cũng có khoảng 20 hồ sơ khác “tranh đấu”. Và để “chiến thắng”, gia đình tôi buộc chấp nhận thương lượng với giá “chua chát” lên tới 230 triệu đồng cho “cò dàn xếp”".

Không chỉ bà L, nhiều người dân địa phương tham gia phiên đấu giá này đều giật mình khi xuất hiện hàng chục đối tượng “lạ mặt”, người cho rằng họ là “cò”, người bảo “dân xã hội”.

Cũng như bà L, một hộ gia đình khác cũng đã phải chi một khoản tiền 230 triệu tương tự để có thể mua được đất trong phiên đấu giá với cái giá “chấp nhận được”. Gia đình này khẳng định rằng có việc “cò đất” xuất hiện dàn xếp nhưng gia đình không sợ, thế nhưng khi được việc thì vẫn “chi”.

Ngoài những gia đình trên, không biết còn bao nhiêu gia đình khác cũng đã phải “nhờ cò dàn xếp” hay bị “cò ép” rồi chấp nhận cái giá “chát” với hàng trăm triệu. Trong khi đó, Nhà nước phải chịu thất thu ngân sách, người dân không biết được việc như thế nào nhưng cũng mất “ngỏm” một số tiền lớn và người hưởng lợi là “những đối tượng lạ” gọi là “cò” lại “rủng rỉnh” tiền.

Hàng chục “người lạ” đi nộp hồ sơ rồi đánh nhau tại trụ sở xã?

Mới đây, tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) xảy ra một vụ hỗn chiến ngay tại trụ sở UBND xã. Dư luận bất bình việc mới chỉ là nộp hồ sơ, chuẩn bị cho việc đấu giá đất ở tại địa phương nhưng mấy ngày liền xuất hiện hàng chục đối tượng “lạ” từ TP Vinh, huyện Nghi Lộc và cả ở huyện Diễn Châu về đây.

Vào chiều ngày 9/7, tại sân trụ sở UBND xã Nghi Lâm đã xảy ra vụ hỗn chiến đúng thời điểm người dân đang làm hồ sơ, thủ tục để được tham gia đấu giá đất. Cụ thể, một người dân tên L (xã Nghi Lâm, Nghi Lộc) đã “cố tình” cự tuyệt với việc một “cò” làm giá, thương lượng giúp sức thắng thầu miếng đất với giá 100 triệu đồng. Ông L cho rằng việc đấu giá đất công khai, minh bạch đúng pháp luật nên ông hoàn toàn cự tuyệt với việc “dàn xếp”.

Theo ông L, ông biết rõ những đối tượng lạ mặt người ngoài địa phương tham gia “nộp hồ sơ” đấu giá đất tại xã mình. Và ông cũng biết rõ việc họ xuất hiện nhằm mục đích gì, thế nhưng ông hoàn toàn bất ngờ khi “vấp phải” sự dàn xếp quá trắng trợn, quá coi thường nhân dân địa phương nên xảy ra cự cãi với "cò". Ngay lúc đó, ông L bất ngờ bị một người đàn ông tên Đ (huyện Nghi Lộc) là “đối thủ” cạnh tranh hồ sơ cùng miếng đất với gia đình ông, chạy vào phòng công an xã Nghi Lâm cầm dùi cui lao vào đánh ông.

Thấy ông L và ông Đ đánh nhau, nhiều người dân có mặt đã vào can ngăn, tuy nhiên, những người dân này cũng bị một số “đối tượng lạ mặt” đi cùng ông Đ đánh trả nên hai bên xảy ra hỗn chiến ngay tại trụ sở xã Nghi Lâm. Vụ việc khiến người dân “ngao ngán” và không khỏi bất bình.

Dù việc đấu giá đất mới ở giai đoạn nộp hồ sơ nhưng việc đấu giá đất ở đang rất "nóng" tại xã Nghi Lâm

Xác nhận về vụ việc này, khác với sức “nóng” từ dư luận địa phương, ông Phan Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm lại "dưng dửng" nói: “Có vấn đề gì đâu, việc đó là việc trẻ trâu". Ông Hiếu cho biết, sau khi sự việc xảy ra thì Công an huyện Nghi Lộc đã về trực tiếp về xử lý.

Nói về việc người dân địa phương phản ánh có nhiều đối tượng “lạ”, có những đối tượng được xem là “cò đất” nổi cộm…từ các nơi như Tp Vinh, Diễn Châu…xuất hiện nhiều tại địa bàn xã, ông Hiếu cho trả lời mình không nắm được, việc họ tham gia đấu giá đất, làm hồ sơ bình thường chứ không làm gì sai, còn có “cò mồi” hay không thì chưa xác định được.

Để ngăn chặn tình trạng “cò” trong đấu giá tài sản vẫn diễn ra “nóng” tại địa bàn tỉnh cũng như một số hạn chế liên quan, ngày 13/1/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 03/2017/QĐ-UBND, ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản đất, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2359 ngày 26/7/2017, thành lập tổ giám sát thực hiện việc bán đấu giá tài sản đất trên địa bàn, nhằm giám sát quá trình đấu giá đất theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của đấu giá tài sản. Trường hợp phát hiện ra sai phạm, sẽ lập biên bản để xử lý theo quy định.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản số 8443/UBND-NC, ngày 02/11/2018 gửi các Sở, ban, ngành cùng với lãnh đạo các huyện, thị, thành phố về việc tăng cường hoạt động quản lý đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Mới đây, tại nhiều huyện,thị trên địa bàn tỉnh này cũng đã bắt đầu triển khai phương thức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp với quyết tâm “chặn” đất sống “cò đất”. Nhiều đối tượng "cò mồi" chuyên đi "dàn xếp" trong các cuộc đấu giá cũng đã bị bắt giữ, xử lý. Nhưng xem chừng những gì diễn ra tại huyện Nghi Lộc thì cũng cần phải xem xét, chấn chỉnh mạnh mẽ hơn.

Đề nghị UBND huyện Nghi Lộc sớm vào cuộc, chấn chỉnh dứt điểm nạn “cò” có dấu hiệu “lộng hành” như đã diễn ra. Ngoài ra, cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, và xử nghiêm các đối tượng, các hành vi liên quan tới sai phạm trong hoạt động đấu giá đất, làm ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP