Tin trong tỉnh

Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống học MH: Giam bằng, giữ sổ bảo hiểm và đòi tiền người lao động

Vì tin tưởng vào Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH (thực ra là chuyên dạy thêm, có trụ sở chính tại P. Trường Thi, TP. Vinh), nhiều sinh viên sau khi ra trường đã nộp hồ sơ và ký hợp đồng làm việc. Thế nhưng khi chấm dứt hợp đồng thì bị yêu cầu phải nộp tiền thì mới được trả bằng gốc, trả sổ BHXH.

Một cơ sở của Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH tại số nhà 22 đường Thái Phiên

Đổ tội cho mẹ?

Em Nguyễn Ngọc Huyền (Quảng Bình), ký hợp đồng dạy học với Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH từ ngày 16/7/2017, đến ngày 31/3/2018 thì báo cho công ty xin được chấm dứt hợp đồng. Sau khi bàn giao công việc, đến ngày 7/4/2018, Huyền chính thức nghỉ việc. Cho đến thời điểm hiện tại tháng 12/2018 công ty không tiến hành chốt sổ và trả sổ bảo hiểm, khi đi hỏi thì bị yêu cầu phải nộp khoản tiền 20 triệu đồng mới tiến hành thanh lý hợp đồng. Huyền cho biết khi ký hợp đồng, công ty yêu cầu phải đóng lệ phí cam kết theo các hình thức khác nhau như giữ bằng gốc; giữ 1,5 triệu đồng/tháng trong vòng 7 tháng (tương đương 10 triệu đồng), riêng Huyền thì chọn hình thức tự mình đóng 100% bảo hiểm, khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Chưa kể, hợp đồng còn ghi nếu nghỉ báo trước 30 ngày sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tự nghỉ không báo trước thì bị phạt 20 triệu đồng.

Khác với trường hợp của Huyền, em Bùi Thị Thao (Thanh Chương), ký hợp đồng với công ty từ ngày 4/6/2018, thế nhưng sau 3 tháng thấy công việc quá áp lực, Thao đã xin chấm dứt hợp đồng. Khi ký hợp đồng, Thao đã bị công ty giữ bằng gốc, đến khi yêu cầu được nhận lại bằng thì bị buộc phải nộp tiền thì mới giải quyết. Ngoài ra còn có những trường hợp như Đặng Thị Hoài (Diễn Châu), bị giữ bằng, giữ sổ bảo hiểm và không được trả lương tháng cuối cùng khi nghỉ việc. Em Trần Thị Hằng Mai (Hà Tĩnh), làm kế toán từ tháng 7/2017 đến hết tháng 3/2018 nhưng vẫn bị giữ bằng gốc, thậm chí không được trả lương tháng 3…

Hầu hết những “nạn nhân” của công ty này đều phản ánh lý do họ chấm dứt hợp đồng là vì bị đối xử không đúng như cam kết khi mới vào làm việc. Dù ký hợp đồng giảng dạy nhưng giáo viên phải kiêm luôn cả làm vệ sinh, nếu làm vệ sinh muộn cũng bị phạt tiền; quên tắt điện hay thời khóa biểu ghi thiếu học sinh cũng bị phạt tiền. Ngoài ra nếu học sinh đóng học phí chậm thì giáo viên cũng bị chậm lương…

Điều đáng nói là trong các hợp đồng mà Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH ký với những người này ghi là căn cứ theo Bộ luật Lao động năm 1994 - một bộ luật cũ đã hết hiệu lực và đã được thay thế, sửa đổi. Người lao động cũng tố cáo rằng, dù bà Hà Thị Á đại diện nhưng trong hợp đồng hầu hết là cô Vương Thị Mỹ Hòa ký thay, và mọi công việc họ đều làm việc trực tiếp với cô Hòa.

Làm việc với chúng tôi, cô Vương Thị Mỹ Hòa trả lời rằng cô chỉ là một giáo viên dạy trong trung tâm, mọi việc điều hành có công ty thực hiện, mà công ty lại do mẹ cô làm chủ. Vì thế nếu có tố cáo thì đáng ra phải tố cáo mẹ cô, bà Hà Thị Á.

Dấu đầu hở đuôi

Mặc dù cô Hòa phủ nhận việc mình tự ký vào hợp đồng, và cho rằng mình cũng chỉ là một giáo viên dạy trong trung tâm. Thế nhưng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH, được Sở KH&ĐT cấp ngày 11/11/2016, dù chủ sở hữu là bà Hà Thị Á, nhưng số điện thoại, địa chỉ email đều của cô Vương Thị Mỹ Hòa. Thông tin này (số điện thoại, địa chỉ email), cùng hoàn toàn trùng khớp với thông tin cá nhân ghi trên đơn xin dạy thêm của cô Hòa nộp và được Trường THCS Hồng Sơn xác nhận vào ngày 1/9/2018. Trong nhiều hợp đồng giảng dạy giữa Công ty TNHH Tư vấn giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH, ở phần đại diện bên A, ngoài tên của bà Hà Thị Á còn có tên cô Vương Thị Mỹ Hòa, tức là cùng đại diện cho bên A để ký kết hợp đồng giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Bình -Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Sơn, nơi cô Hòa đang công tác thì cho biết: Cô Hòa chỉ có đơn xin dạy thêm tại Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH, bởi theo quy định giáo viên đang công tác không được phép thành lập công ty hay trung tâm dạy thêm. Vì thế, khi việc dạy thêm diễn ra ngoài trường thì nhà trường không quản lý.

Trong một lần trả lời qua điện thoại, cô Hòa cũng đã thừa nhận việc “lách luật” khi để mẹ cô đứng tên, còn thực chất cô làm chủ, điều hành hoạt động của công ty. Thế nhưng sau đó khi được chúng tôi hỏi về việc này thì cô Hòa lại bảo đó là trả lời theo kiểu cho qua chuyện. Cô Hòa cũng thừa nhận việc giữ bằng gốc của người lao động khi đến làm việc tại công ty. Khi được chúng tôi chỉ ra những điểm vô lý trong bản hợp đồng, thì cô mới viện lý do là không nắm rõ luật.

Liên quan đến việc bị tố cáo đòi tiền rồi mới trả bằng gốc, trả sổ BHXH, cô Hòa cho rằng bây giờ chỉ yêu cầu những ai nghỉ việc thì đến công ty làm đơn trình bày rõ lý do, ai làm sai cái gì cần viết cho đúng thì công ty sẽ giải quyết.

Một động thái mới nhất, sau khi người lao động đồng loạt làm đơn tố cáo những việc làm sai của Công ty TNHH Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học MH, công ty này đã bổ nhiệm ông Vương Đình Chất - một cán bộ công an về hưu làm Phó Giám đốc, đại diện cho công ty đứng ra làm việc với những người lao động. Tuy nhiên, khi được yêu cầu phải làm đơn nêu rõ lý do, và thừa nhận trong quá trình làm việc tại công ty đã mắc những lỗi gì, sai như thế nào, người lao động đã không đồng ý.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Phó ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ tỉnh: Theo Điều 20, Bộ luật Lao động năm 2012, khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, chủ sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Không có quyền yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Nếu vi phạm, thì chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng, áp dụng theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Tác giả: Tiến Đông

Nguồn tin: Báo Lao động Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP