Trong nước

Đại biểu QH đặt vấn đề về tính nghiêm minh trong xử lý 12 đại dự án thua lỗ

“Chắc chắn không có sự bao che, không có lợi ích nhóm trong xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trước Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 31-10.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết trong các phiên chất vấn trước đây, ông đã đặt vấn đề xử lý các dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương. Đến nay, mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều ý kiến chỉ đạo triển khai xử lý nhưng tiến độ còn chậm, đặc biệt tại Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

"Văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ban hành ngày 19-12-2017 nêu tiến độ tiến hành thoái vốn dự án trong năm 2018 nhưng đến nay đã là quý IV/2018, vẫn chưa được thực hiện. Sự chậm trễ ở đây là gì? Có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài thoái vốn tại doanh nghiệp để trục lợi?" - ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh chất vấn về 12 dự án thua lỗ - Ảnh: quochoi.vn

ĐB tỉnh Hoà Bình cũng nêu trong việc xử lý sai phạm tại các dự án thua lỗ, mới chỉ có 5 bị can tại PVtex, 1 bị can tại Dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ. "Cử tri và nhân dân nghi ngờ tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xảy ra tại các dự án này. Đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ băn khoăn này, đề nghị Bộ trưởng Công an cũng làm rõ thêm" - ĐB thẳng thắn.

Người đứng đầu ngành công thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận việc xử lý sai phạm tại Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên chậm so với tổng thể tiến độ chung của 12 dự án. Nguyên nhân do có nhiều vấn đề phức tạp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng xử lý vi phạm tại 12 dự án thua lỗ rất nghiêm minh - Ảnh: quochoi.vn

Trong đó, có việc tranh chấp pháp lý với tổng thầu EPC. Ngoài ra, việc thoái vốn ra khỏi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gặp vướng mắc bởi việc bảo lãnh của TISCO với khoản vay hơn 1.800 tỉ đồng tại Vietinbank cho Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

"Thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước vì TISCO đã cam kết bảo lãnh 100% khoản vay này cho dự án. Giải quyết cho xong việc giải chấp với khoản bảo lãnh của TISCO thì mới có thể tiến hành thoái vốn. Bộ Công Thương đã báo cáo và triển khai theo hướng đảm bảo thoái vốn đúng quy định luật pháp" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình thêm.

Về câu chuyện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vi phạm tại các dự án, Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định: "Tất cả 12 dự án đã làm đồng bộ và toàn diện về các khía cạnh. Trong đó, đã rà soát về pháp lý và xem xét trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra".

Trưởng ngành công thương cho biết có 4 dự án đã chuyển cơ quan công an để điều tra; khởi tố vi phạm tại 2 dự án (PVtex và Nhiên liệu sinh học Phú Thọ). Ngoài ra, cơ quan chức năng đang điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy đạm Hà bắc…

Cho biết nhiều cá nhân đã bị tạm giam, "tư lệnh" ngành công thương cũng khẳng định một lần nữa: "Chắc chắn không có câu chuyện bao che dù ở bất cứ cấp nào với những cá nhân và tổ chức liên quan. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khẳng định lần nữa là không có lợi tích nhóm trong việc xử lý".

Tác giả: Thuỳ Dương - Khánh Anh

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP