Thế giới

Đàm phán Mỹ-Triều lại trục trặc

Cuộc đàm phán đầu tiên sau 8 tháng giữa chính quyền Trump và Triều Tiên nhằm phá thế bế tắc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã sụp đổ sau vài giờ diễn ra ở Stockholm hôm 5/10.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Miyong Gil phát biểu với báo chí trước Đại sứ quán Triều Tiên ở Stockholm hôm 5/10. Ảnh: Yonhap

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bế tắc.

“Cuộc đàm phán không đáp ứng những kỳ vọng của chúng tôi và đã sụp đổ”, ông Kim Myong-gil, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên, nói với báo chí sau cuộc gặp. Ông Kim nói rằng đoàn Mỹ đến dự cuộc đàm phán “tay không” và “không từ bỏ quan điểm và thái độ cũ”.

Trong thông cáo sử dụng từ ngữ cẩn thận, Bộ Ngoại giao Mỹ không nói cuộc gặp thất bại, và cảnh báo rằng “những bình luận sớm” từ Triều Tiên “không phản ánh nội dung hay tinh thần của cuộc thảo luận dài 8,5 giờ hôm nay”. Thông cáo nói rằng “phía Mỹ đã mang đến những ý tưởng sáng tạo và có thảo luận hiệu quả” với phía Triều Tiên, nhưng không nêu cụ thể là gì.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói đoàn của họ đã xem xét kỹ các đề xuất mới, không chỉ trong vấn đề phi hạt nhân, mà cả các yếu tố khác trong đàm phán, bao gồm cam kết chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết phía Triều Tiên phản ứng như thế nào.

Bất chấp thông báo hoa mỹ từ phía Mỹ, một điều rõ ràng là cuộc gặp lần này không đi đến đâu. Và dù các nhà đàm phán Mỹ khẳng định sẵn sàng trở lại sau 2 tuần, phía Triều Tiên không đưa ra thông báo nào tương tự.

Đây là cuộc thảo luận cụ thể đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quay lưng với nhau sau cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2.

Kết quả cuộc gặp lần này không gây nhiều ngạc nhiên. Dù ông Trump thường đưa ra những phát biểu lạc quan về quan hệ giữa ông với ông Kim và thứ mà ông gọi là “những bức thư đẹp đẽ” ông Kim gửi cho ông, Bình Nhưỡng vẫn đẩy nhanh hoạt động thử tên lửa và mở rộng kho nhiên liệu hạt nhân của họ.

Tại Washington, các quan chức trong chính quyền Mỹ vật vã với bài toán làm sao có thể lôi kéo Triều Tiên quay lại thương lượng hiệu quả mà Mỹ không cần bỏ nhiều biện pháp trừng phạt để đánh mất ưu thế trong đàm phán, theo báo New York Times.

Một mục tiêu của cuộc đàm phán lần này là thử nghiệm đề xuất đóng băng tạm thời hoạt động hạt nhân, để năng lực hạt nhân của Triều Tiên không tăng lên trong thời gian hai bên đàm phán. Ông Trump đã thất bại trong đàm phán chuyện đóng băng khi ông gặp ông Kim lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2008.

Ván cược của Triều Tiên

Vài ngày trước, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, đưa ra đánh giá gay gắt về cách tiếp cận của ông Trump, dù không nêu tên tổng thống.

Ông Bolton nói ông tin ông Kim không bao giờ có ý định từ bỏ vũ khí. Nhận định này phù hợp với đánh giá trong nhiều năm của tình báo Mỹ từ trước khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Bolton cho rằng các cuộc đàm phán chẳng có mấy tác dụng. “Tôi không nghĩ người Triều Tiên có lúc nào sẵn sàng từ bỏ đủ mức” để giúp các cuộc đàm phán đi đến kết quả. Không có cơ sở nào để tin bất kỳ lời hứa nào từ chính quyền ấy”, ông Bolton nói trong bài phát biểu đầu tuần trước tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế chiến lược tại Washington. Ông Bolton bị sa thải vì ông Trump tin rằng quan điểm diều hâu của ông dễ dẫn đến xung đột hơn đối thoại.

Ông Trump tin vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng các cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, vì những cuộc gặp cấp thấp trong nhiều thập kỷ qua hoặc đổ vỡ hoặc dẫn đến những thoả thuận sớm bị vi phạm sau vài năm.

Sau khi ông Kim và ông Trump rời Hà Nội, đội đàm phán của ông Kim bị sa thải, và không cuộc đàm phán nào diễn ra cho đến khi nhóm mới của Triều Tiên đến Stockholm hôm 4/10.

Có thể họ sẽ tiếp tục sau cuộc gặp mang tính thăm dò lần này. Nhưng trong bài viết đăng gần đây, hai chuyên gia về Triều Tiên là Ankit Panda và Vipin Narang, cho rằng “Bình Nhưỡng đã xác định hạn chót rất rõ ràng - cuối năm nay - để đưa tiến trình đàm phán trở lại quỹ đạo và cho Mỹ điều chỉnh quan điểm của họ”. Sau đó, ông Kim có thể quay lại cách thức thực hiện liên tiếp các vụ thử vũ khí, đánh cược vào khả năng ông Trump sẽ không liều gây ra xung đột khi đang bận rộn cho chiến dịch tái tranh cử.

Tác giả: BÌNH GIANG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP