Tin trong tỉnh

Đập thủy lợi hơn 6 tỉ đồng xây xong không thể tích nước

Được đầu tư hơn 6 tỉ đồng để xây mới thân đập và sau 2 lần phải làm lại, đập thủy lợi Hố Môn (xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn không tích được nước.

Đập Hố Môn

“Ngoại hình cơ bản đẹp nhưng không… tích được nước”!

Dự án nâng cấp đập Hố Môn (ở xóm 6, xã Thịnh Thành) được đầu tư với số vốn hơn 6 tỉ đồng, do UBND huyện Yên Thành làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Sông Lam (trụ sở tại Hà Nội) thi công.

Mục tiêu xây dựng con đập này để tưới cho 22 ha đất lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho 128 hộ dân địa phương. Dự án thực hiện từ cuối 2014 và hoàn thành sau 5 tháng thi công. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Khánh Phong, xóm trưởng xóm 6, “sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2015, thân đập giống… cái sàng, nước rò rỉ và chảy thành dòng qua thân đập dài 167 m khiến đập không thể tích được nước”.

Sau khi dân phản ánh, UBND huyện Yên Thành và nhà thầu đến kiểm tra. Kết luận của ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, trong cuộc họp ngày 28.6.2016 để xử lý công trình này: “Công trình thi công đúng tiến độ, ngoại hình cơ bản đẹp, nhưng không tích được nước”. Nguyên nhân do quá trình thi công, đơn vị thi công không xử lý chân đanh tốt nên nước bị rò. Sau đó, nhà thầu đã phải xử lý, làm lại chân đanh của đập.

Nhà thầu sửa chữa lần 2 tại khu vực xả tràn để chống rò rồi bỏ dở

Tuy nhiên, theo ông Phong, sau khi xử lý, nước vẫn tiếp tục rò qua thân đập, đặc biệt rò qua phần mái bê tông phía trên chân đanh nên khả năng tích nước của đập rất kém khiến người dân tiếp tục ta thán. Tháng 6 vừa qua, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đến kiểm tra, yêu cầu nhà thầu tiếp tục sửa chữa thân đập và gia hạn đến hết tháng 7 phải hoàn thành. Nhưng, sau khi cho đào tràn xả lũ để xử lý, nhà thầu chỉ làm qua loa và bỏ bê cho đến nay.

Ông Phong cũng cho biết, con đập này trước đây chỉ được đắp bằng đất, nhưng khả năng tích nước rất tốt. “Năm nào hạn mới thiếu nước, nhưng từ khi làm lại con đập này, đập không tích được nước, dân chúng tôi không có nước để sản xuất, phải hoàn toàn nhờ trời mưa. Năm ngoái, mùa nắng, dân phải đến đào giếng giữa lòng hồ để lấy nước sinh hoạt và cho trâu bò uống”, ông Phong nói.

Mặc dù năm nay mưa nhiều, đạp đã qua 2 lần sửa, nhưng mực nước trong hồ rất thấp, nằm dưới mức của chân đanh. Dưới chân tràn xả lũ, nước vẫn chảy qua các lỗ hổng. Theo ông Phong, với tình trạng này, vụ cấy cày sắp tới, hồ sẽ không còn nước nữa.

Nước tiếp tục rò rỉ dưới chân xả tràn của thân đập

Dân từng ngăn cản thi công vì phát hiện làm dối

Ông Phong cũng cho biết, khi đập mới thi công, phát hiện nhà thầu cho đắp đất lấy từ núi, đất sỏi lẫn đá cục không đủ độ kết dính; tại công trường thi công con đập, chỉ có một chiếc máy ủi san đất mà không có xe lu lèn nên người dân xóm 6 đã kéo lên ngăn cản suốt cả ngày, không cho thi công.

Sau đó, lãnh đạo huyện phải đến trấn an về chất lượng thi công với dân thì người dân mới cho thi công trở lại. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sửa chữa thì đập vẫn không thể tích nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Yên Thành, khẳng định nhà thầu năng lực kém và khi xảy ra sự cố, nhà thầu này đổi lỗi do điều kiện thổ nhưỡng ảnh hưởng đến chất lượng thân đập. Qua thí nghiệm, đất đắp đập vẫn đạt tiêu chuẩn nhưng do thi công, nhà thầu đầm lu kém nên nước bị thấm, rò qua thân đập.

UBND huyện Yên Thành đã ra tối hậu thư nếu sau ngày 30.7.2018, nhà thầu không thực hiện khắc phục để bàn giao nghiệm thu thì các bên tiến hành quyết toán công trình và giao cho đơn vị khác thực hiện. Đến nay, nhà thầu đã được thanh toán hơn 3,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, lấy lý do cần ứng trước kinh phí còn lại để tiếp tục xử lý phần thân đập nhưng chưa được huyện đáp ứng nên hiện nhà thầu vẫn bỏ đấy.

Tác giả: Khánh Hoan

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP