Nhân ái

Đau lòng cảnh người phụ nữ nhốt chồng và 2 con tâm thần trong cũi sắt

Mỗi khi chồng và 2 người con cùng mắc bệnh tâm thần lên cơn, bà Liên đành phải nhốt họ trong cũi sắt. Lòng đau như cắt, bà chỉ còn biết ôm chặt lấy đứa cháu ngoại mà khóc.

Con đường nhỏ ngoằn ngòeo, bụi bặm đưa chúng tôi tới trước cửa một ngôi nhà nhỏ ở thôn An Hòa, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Vừa bước qua cánh cổng cũ kĩ, thì bất chợt trong nhà phát ra tiếng đập phá loảng xoảng, kèm theo đó là những tiếng gào thét man dại… Dù đã lường trước tình huống này, nhưng tôi vẫn không khỏi giật mình kinh hãi.

Một phụ nữ trung tuổi dắt theo đứa cháu trai chừng 5 - 6 tuổi từ trong nhà chạy ra. Bà nói như để trấn an chúng tôi: "Mẹ nó lại lên cơn, tôi đã nhốt vào cũi và khóa lại rồi…", bà đau xót nói trong 2 hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt đầy u uất.

Mỗi khi chị Nhung lên cơn điên la hét, đập phá, bà Liên lại dằn lòng nhốt con gái trong cũi sắt.

Nói rồi, bà Liên dẫn chúng tôi vào căn phòng tối om, nơi có chiếc cũi sắt để nhốt những người ruột thịt của mình. Lúc này bên trong chiếc cũi sắt lạnh lẽo, hôi hám, chị Nguyễn Thị Nhung, (sinh năm 1989), con gái bà vẫn không ngừng la hét, 2 tay thì giật ổ khóa rồi lao người vào những thanh thép 2 bên thành cũi... Đứa trẻ có gương mặt khôi ngô đầm đìa nước mắt chỉ biết gọi "Mẹ ơi! Mẹ ơi!..." trong những tiếng gào khóc đến xé lòng.

Đập phá, giãy giụa một hồi thì chị Nhung cũng mệt lả rồi nằm thiu thiu ngủ, bà Liên bảo: "Thế là nó đã hết cơn rồi đấy, nhưng để cho nó ngủ dậy thì mới cho nó ra ngoài. Cái cũi này còn để nhốt em nó và ông nhà tôi nữa, mỗi lúc bố con lên cơn. Cũng còn may là 3 bố con thường lên cơn lệch nhau, chứ không thì tôi phải làm đến 3 cái cũi…". Nghe bà Liên nói, chúng tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.

Dù mẹ bị nhốt trong cũi sắt, nhưng thằng bé 6 tuổi này vẫn không rời mẹ nửa bước.

Trải manh chiếu rách xuống sàn nhà cáu bẩn, bà Liên bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bi thương của gia đình bà: Như một sự trớ trêu của định mệnh, khi người con trai út của bà Liên là anh Nguyễn Văn Sang, (sinh năm 1991), được gần 1 tuổi thì chồng bà là ông Nguyễn Văn Thuận tự dưng phát bệnh tâm thần. Từ một người đàn ông trụ cột gia đình, giờ ông Thuận như một đứa trẻ, cho gì ăn nấy, những khi lên cơn thì đập phá và gặp ai cũng giơ chân, giơ tay dọa đánh.

Tưởng rằng số phận đày đọa người chồng của bà Liên đã là quá nghiệt ngã. Không những vậy, ông trời còn bắt tội cả 2 người con của bà. Bà Liên kể, khi sinh ra các con đều bụ bẫm trắng trẻo, đáng yêu như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng, sau ngày bố phát bệnh không lâu thì các con cũng có những biểu hiện không bình thường, càng lớn thì dấu hiệu của bệnh tâm thần càng rõ.

Thời gian dần trôi, 2 đứa con của bà Liên đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn ngây ngô như những đứa trẻ, lên cơn thì la hét, đập phá… Mỗi khi tự tay nhốt các con vào cũi sắt thì ruột gan người mẹ lại như có hàng ngàn mũi kim châm đau xé lòng.

Đứa trẻ này có được sau một lần chị Nhung trốn nhà đi lang thang…

Gương mặt thơ ngây của đứa trẻ 6 tuổi, em còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình mình.

Đứa cháu ngoại Nguyễn Văn Hải (6 tuổi) của bà Liên, là kết quả sau một lần chị Nhung trốn nhà đi lang thang, đến giờ cũng chẳng ai xác định được bố của Hải là ai. Một lần nữa bà Liên lại làm "mẹ" với đứa bé đỏ hỏn trên tay.

Biết bao đêm trắng bà ôm cháu khóc, bà thương đứa cháu bất hạnh từ lúc sinh ra chẳng được uống sữa mẹ dù chỉ là 1 giọt và càng không dám nghĩ đến mai sau cháu sẽ ra sao? Khi mà sức bà càng ngày càng yếu, còn người mẹ ngoài lúc phát cơn điên dại, thì chỉ biết cười nói vô hồn…

Gần đây, căn bệnh thoái hóa cột sống thường xuyên gây đau nhức, rồi bệnh bướu cổ, sỏi mật hành hạ, khiến bà Liên chẳng thể làm được việc nặng như trước nữa. Hàng ngày bà dắt cháu đi khắp các ngõ xóm nhặt nhạnh đồng nát, những mong kiếm mớ rau, bát cháo sống qua ngày.

Trước cảnh quá bĩ cực của gia đình mình, nhiều lúc nghĩ quẩn người phụ nữ tội nghiệp 53 muốn quyên sinh, bà muốn rũ bỏ mọi đau khổ trên đời. Nhưng nghĩ đến người chồng, 2 đứa con, nhất là đứa cháu ngoại vô tội không còn ai chăm sóc, bà lại choàng tỉnh.

Nhiều lúc nghĩ quẩn, bà Liên đã xuất hiện ý định quyên sinh để rũ bỏ mọi đau khổ trên đời, nhưng nghĩ đến những người ruột thịt không còn ai chăm sóc, bà lại choàng tỉnh.

Không còn nhiều sức lực để chăm chồng, chăm con, nuôi cháu, bà Liên đã tính đến việc gửi đứa cháu ngoại vào Trung tâm bảo trợ xã hội. "Tôi tính gửi cháu đi làm con nuôi hoặc xin vào trung tâm, nhưng cứ nghĩ đến việc phải xa thằng bé là lòng tôi đau quặn thắt lại", nói rồi bà đưa tay lên ôm mặt khóc nức nở.

Thấy bà khóc, Hải vội chạy lại ôm bà, thằng bé mếu máo: "Cháu muốn ở nhà với bà, bà cho cháu ở nhà với bà nhé, cháu ăn ít cũng được…", nghe thằng bé nói, mà chúng tôi ai nấy đều rơi nước mắt.

Nói về hoàn cảnh gia đình bà, anh Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), ái ngại cho biết: "Gia đình bà Liên là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện, chồng, con đều mắc bệnh tâm thần, cháu nhỏ dại, bản thân bà lại bệnh tật sức khỏe ngày một yếu. Hội Chữ thập đỏ mỗi năm cũng chỉ hỗ trợ được chút ít cứu đói vì kinh phí của hội cũng hạn hẹp. Qua đây, tôi cũng xin nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình bà Liên qua cơn bĩ cực này."

Sức bà Liên càng ngày càng yếu, tương lai gia đình đặc biệt này sẽ ra sao?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Nguyễn Thị Liên

Thôn An Hòa, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0389615523

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: cũi sắt , tâm thần

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP