Tin trong tỉnh

Đề xuất dừng làm nhiệt điện Quỳnh Lập 4,5 tỷ USD, Chủ tịch tỉnh nói 'dự án không có duyên với Nghệ An'

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cho dừng thực hiện dự án trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập I và Nhiệt điện Quỳnh Lập II) và đưa ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I hơn 2 tỷ USD vẫn "đắp chiếu"

Liên quan đến các dự án nhiệt điện tại Quỳnh Lập, tại phiên họp Ban Thường vụ tỉnh ủy thường kỳ tháng 11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh đã phân tích và xem xét rất kỹ về dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I và dự án nhiệt điện Quỳnh Lập II, vì được kỳ vọng sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh.

“Song đến nay phải khẳng định 2 dự án này không có ‘duyên’ với Nghệ An”, ông Trung nói.

Do đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất với phương án đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhiệt điện Quỳnh Lập II) và đưa ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.

“Việc làm này có thể phải chịu áp lực từ Chính phủ khi cho rằng Nghệ An chưa thật sự chia sẻ về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng tỉnh cũng phải có quan điểm rõ ràng là không thể thực hiện việc đánh đổi sự phát triển với lợi ích của người dân. Hơn thế nữa, việc dừng các dự án nhiệt điện để dành quỹ đất đầu tư cho lĩnh vực khác cũng sẽ mang lại sự phát triển cho kinh tế - xã hội cho Nghệ An”, Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nói.

Vị trí dự án trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập.

Như VietnamFinance đã đề cập, dự án trung tâm điện lực Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009 với tổng diện tích khoảng 283ha, thuộc quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi – khu kinh tế Đông Nam.

Tổng công suất dự án lên đến 2.400MW với 4 tổ máy, được chia thành 2 giai đoạn: nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II (quy mô 1.200MW/nhà máy). Cả 2 nhà máy đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tính đến 2030 (Quy hoạch điện VII).

Nhà thầu Trung Quốc áp đảo khi nộp hồ sơ dự thầu dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I đã được Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư vào năm 2009. Đến tháng 10/2015, TKV và UBND tỉnh Nghệ An động thổ nhà máy nhiệt điện.

Nhiệt điện Quỳnh Lập I có tổng mức đầu tư 48.516 tỷ đồng (tổng mức đầu tư được phê duyệt theo Quyết định số 348/QĐ-TKV ngày 6/3/2017 của TKV) với nguồn vốn 20% của chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác, 80% còn lại đi vay. Về cơ cấu vốn góp, TKV góp 36%, tối thiểu 2 nhà đầu tư khác góp 64% (mỗi nhà đầu tư nhỏ hơn 36%).

TKV thông báo mời rộng rãi trên trang web của tập đoàn tới các nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước tham gia góp vốn đầu tư phát triển dự án.

Kết quả, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.

Còn dự án nhiệt điện Quỳnh Lập II được thiết kế với tổng công suất 1.200MW, gồm 2 tổ máy. Địa điểm xây dựng tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, trên diện tích đất 171ha và khoảng 37ha mặt nước, dự kiến tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD.

Dự án này được Chính phủ giao cho nhà đầu tư Posco Energy (Hàn Quốc) nghiên cứu phát triển. Đến đầu tháng 11/2017, Posco Energy (Hàn Quốc) và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã tổ chức ký kết biên bản hợp tác nghiên cứu phát triển dự án.

Hiện chủ đầu tư đã cùng các đơn vị tư vấn triển khai khảo sát địa hình, địa chất và hiện đang trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương nhưng cũng chưa biết thời gian nào mới triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án được phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện với tổng công suất 1.378,9MW. Đến nay, đã có 15 dự án thủy điện quy mô nhỏ với tổng công suất 46,15MW được rà soát, loại khỏi quy hoạch; có 3 dự án thuộc quy hoạch thủy điện chưa cấp chủ trương đầu tư; có 3 dự án đề xuất điều chỉnh quy hoạch; 11 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch; 1 dự án đề xuất được nghiên cứu khảo sát để áp dụng mô hình khai thác thủy năng của hồ thủy lợi.

Hiện trên địa bàn đã có 21 dự án vận hành phát điện với tổng công suất 930,9MW; 4 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất 80 MW; 3 dự án với tổng công suất 276MW đang thực hiện công tác đầu tư xây dựng.

Tác giả: Lệ Chi

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP