Giáo dục

Đề xuất về học liên thông thẳng lên đại học

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện rõ đề xuất học xong cao đẳng nhưng không có bằng THPT được học liên thông thẳng lên đại học. Cụ thể:

Ảnh minh họa/internet

Có ý kiến đề nghị người học đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT được học liên thông thẳng lên trình độ đại học và đề nghị giao Chính phủ quy định về quy trình liên thông; có ý kiến đề nghị, không quy định nội dung này trong Luật vì dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa bằng cấp, không đạt được mục đích phân luồng; có ý kiến băn khoăn về sự chưa thống nhất trong thời gian đào tạo của các nguồn tuyển sinh vào đại học.

Về vấn đề liên thông lên trình độ đại học đối với người đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT: UBTVQH cho rằng, nguyên tắc liên thông là chuẩn trình độ, kiến thức năng lực theo khung trình độ 8 bậc được Thủ tướng Chính phủ quy định; mục đích tạo nhiều khả năng và nhiều con đường để người học nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Hiện nay, việc tuyển sinh của các cơ sở GDĐH thực hiện theo cơ chế tự chủ; Luật GDĐH đã quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học đa dạng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp.

Mặt khác, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đang thực hiện trong toàn bộ hệ thống; tỷ lệ người học khi ra trường có việc làm và năng lực cạnh tranh sẽ là tiêu chí quan trọng để nâng uy tín cho các cơ sở đào tạo, điều này phụ thuộc vào sự chọn lựa, đánh giá của người sử dụng lao động và của cả xã hội.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông.

Theo đó, người đã học xong trình độ cao đẳng được học lên trình độ đại họctheo nguyên tắc: Liên thông lên cùng nhóm ngành nghề hoặc khi chuyển sang nhóm ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phải đáp ứng yêu cầu nội dung, chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10).

Về quy trình liên thông, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (khoản 3 Điều 10).

Về thời gian đào tạo của các nguồn tuyển sinh vào đại học, UBTVQH nhận thấy, hiện nay pháp luật về giáo dục, đào tạo đã cho phép các cơ sở giáo dục được đào tạo bằng nhiều phương thức: niên chế, tín chỉ, mô-đun…

Do đó, chuẩn đầu vào của bậc đào tạo đại học được quy định theo năng lực, kiến thức, số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo được quy định trong Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, không đặt ra vấn đề thời gian đào tạo.

Có ý kiến đề giữ tên gọi “bằng tốt nghiệp đại học” theo quy định của Luật hiện hành; quy định rõ “văn bằng trình độ tương đương”.

Về tên gọi văn bằng: UBTVQH cho rằng đại học là một bậc trình độ trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tốt nghiệp trình độ này được gọi là cử nhân. Việc dùng tên gọi “bằng cử nhân” phù hợp với cách gọi của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đề nghị giữ như Dự thảo Luật để thuận lợi cho việc hội nhập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Về quy định văn bằng “tương đương”, UBTVQH cho rằng, Dự thảo Luật quy định hệ thống văn bằng đại học là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên, đối với các ngành đào tạo đặc thù, có yêu cầu đào tạo kỹ năng thực hành chuyên sâu như kỹ thuật, y khoa,… cần có những văn bằng tương đương theo truyền thống và thông lệ quốc tế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu và để phù hợp với Luật GDĐH, dự án Luật quy định Chính phủ ban hành quy định hệ thống văn bằng trình độ đại học và văn bằng tương đương đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù (Điều 12).

Tác giả: Minh Phong

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP