Kinh tế

Đi tìm nguyên nhân khiến BIDV trì hoãn tăng vốn

Việc giá cổ phiếu giảm gần đây của BIDV có thể là biến động tích cực nếu giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trở lại đối với cổ phiếu.

Trong bản tin chứng khoán công bố ngày 23/05/2018 của CTCK TP.HCM (HSC, HOSE: HCM), công ty này cho biết có một số bên quan tâm sẵn sàng tham gia mua lại vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV: HOSE: BID). Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn tăng vốn là do giá cổ phiếu tăng mạnh trong 12 tháng qua, dẫn đến thị giá cổ phiếu tăng lên mức rất cao đối với một ngân hàng còn nhiều vấn đề phải xử lý.

Do đó, việc giá cổ phiếu giảm gần đây có thể là biến động tích cực nếu giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trở lại đối với cổ phiếu.

HSC đánh giá, thách thức lớn nhất của BIDV hiện giờ là phải tăng vốn cấp 1 để cải thiện hệ số CAR trước khi tiêu chuẩn Basel II được áp dụng. Giá cổ phiếu đã giảm 35% kể từ đỉnh và đã quay trở về gần với mức giá trị hợp lý trong trung hạn, tuy nhiên rủi ro giảm vẫn còn. Công ty này nhận thấy khả năng để BIDV nâng vốn thành công trong năm nay phụ thuộc vào việc mức định giá cổ phiếu có ở mức hợp lý để thu hút người mua hay không (có tính đến cả những vấn đề tồn tại cần được giải quyết).

Có thể thấy, bài toán tăng vốn cũng là một trong những vấn đề nóng kéo dài suốt những năm qua của BIDV. Ba năm gần đây nhất, HĐQT nhà băng này đều trình và được thông qua hàng loạt phương án tăng vốn nhưng kết quả thực tế đều không thực hiện được. Năm 2017, BIDV dự kiến tăng vốn thông qua 4 phương án, bao gồm phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước, trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông nước ngoài nhưng cũng không thành công.

Vốn điều lệ tăng thêm quá ít, trong khi tỷ lệ an toàn vốn của BIDV đã gần chạm ngưỡng theo quy định của NHNN. Ngoài ra, thời gian áp dụng tiêu chuẩn quản trị theo Basel II đang đến gần cũng tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo. Năm 2018, BIDV tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng tăng vốn thêm 28%, lên hơn 43,600 tỷ đồng. Trong đó, trọng tâm là phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV với quy mô 171 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ 171 triệu cổ phiếu và phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài hơn 600 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó là áp lực nợ xấu kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tăng cao. Theo nội dung đề cập trong báo cáo của HSC, BIDV đã xóa 9,077 tỷ đồng nợ xấu trong quý 1/2018 (cùng kỳ năm ngoái Ngân hàng không xóa nợ), tương đương 1.03% tổng dư nợ. BIDV đã trích lập tổng cộng 42,823 tỷ đồng chi phí dự phòng từ năm 2014 đến quý 1/2018, tương đương 9% tổng dư nợ năm 2014. Và Ngân hàng cũng xử lý tổng cộng 33,392 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 7% tổng dư nợ năm 2014). Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 1.62% - so với mức 1.61% vào cuối năm 2017. Nợ mới hình thành chỉ là 259 tỷ đồng trong quý 1/2018.

HSC cho biết thêm, BIDV hiện đang gia tăng cho vay liên ngân hàng để tạo lợi nhuận và lợi nhuận được hỗ trợ từ dòng thu nhập không thường xuyên như từ thu hồi nợ xấu và lợi nhuận đầu tư trái phiếu.

Kết thúc quý đầu tiên của năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt gần 2,500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2,000 tỷ đồng; tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cán mốc 9,300 tỷ đồng trong năm 2018, BIDV đã đi được 1/4 quãng đường cho cả năm.

Theo thống kê, cổ phiếu BID của BIDV đã giảm gần 20% trong vòng 1 tháng qua.

Tác giả: An Mai

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP