Cuộc sống

Điều gì khẳng định những ông chồng mắc bệnh “sĩ diện”

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của chị em trong hôn nhân đó là lấy phải người chồng mắc bệnh “sĩ diện”. Bởi họ sẽ quan tâm đến việc giữ thể diện của mình hơn là bảo vệ và yêu thương vợ con.

Ảnh minh họa: Thanh Lan

Méo mặt vì chồng thích thể hiện

Nguyễn Hồng Thu (ở Vĩnh Phúc) lấy chồng đã được 8 năm. Cuộc sống gia đình khá yên ấm và hạnh phúc. Vợ chồng Thu có hai đứa con khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cả hai đều có công việc ổn định. Theo Thu kể thì chồng Thu khá "ngoan", không ăn chơi đàn đúm bạn bè, biết chăm con, không ốm đau bệnh tật nhưng lại mắc phải một căn bệnh không có thuốc chữa, đó là "bệnh sĩ".

Thu cho biết, lương của Thu và chồng cộng lại được khoảng 9 triệu đồng/tháng. Lương của Thu thấp hơn, chỉ đủ mua những thứ lặt vặt trong gia đình. Vì thế, tiền lương cô cho hết vào tài khoản. Mọi chi dùng trong gia đình chủ yếu trông chờ vào đồng lương của chồng. Mỗi tháng chồng Thu đưa cho vợ 4,5 triệu đồng, còn lại một phần 3 lương anh ta giữ để chi dùng cho cá nhân.

Với khoản tiền chồng đưa cho mỗi tháng như vậy, Thu trang trải tất tần tật các khoản chi tiêu trong gia đình từ hiếu hỉ, tiền sữa, quần áo thuốc men… Cũng may ở quê mọi thứ đều rẻ, lại có vườn tược, rau cỏ, gà vịt tự nuôi lấy trứng nên chi tiêu không mấy tốn kém. Tiền học của các con Thu ở quê cũng không nhiều như trẻ con ở thành phố nên dù chỉ được 4,5 triệu đồng chồng đưa, Thu vẫn lo tươm tất cho gia đình, không đến nỗi quá túng thiếu khó khăn gì. Duy chỉ có một điều khiến Thu phải suy nghĩ đó là chồng cô giữ lại quá nhiều số tiền cho việc chi dùng cho cá nhân.

Hoài Thu tâm sự: "Chồng tôi ngoan, không ăn chơi đàn đúm bạn bè, chăm con cũng tốt nhưng lại bị "bệnh sĩ". Mỗi lần có việc bé tí bé tẹo gì là xông lên ủng hộ. Tôi không hẹp hòi chuyện đó nhưng chuyện gì cần thì ủng hộ thôi chứ những cái lặt vặt như mắc đường điện của xóm các bác đến báo là lấy kinh phí từ tiền làm đường còn thừa rồi mà vẫn thích thể hiện. Hay như những cái quỹ giời ơi đất hỡi khoảng vài triệu thì mọi người ủng hộ 1-2 trăm nghìn nhưng chồng em phải 5 trăm đến một triệu".

Để chồng không mất tiền chi vào những thứ vô bổ, Thu đã tìm mọi cách để moi tiền chồng nhưng không có kết quả. Cô đã từng phải cho con cái và cả gia đình ăn rau trừ bữa suốt nhiều ngày liền nhưng không làm cho chồng cô lung lay.

Giống như chồng Thu, một người vợ trẻ khác cho biết, chồng chị rủ bạn đi nhậu, đi uống cà phê và luôn luôn là người dành trả tiền. Bên nhà nội có tiệc tùng đám giỗ gì, chồng chị ấy cũng dành chi toàn bộ, trong khi vợ chồng chị là người nghèo nhất trong số mấy anh chị em bên nội. Về quê đi chơi hàng xóm họ hàng xa, thấy cụ già nào cũng rút tiền, lúc thì 100.000 có lúc cả một tờ 500.000 đồng ra biếu. Nhiều hôm hết tiền còn móc ví của vợ ra biếu người dưng. Xung quanh ai cũng bảo chị có phúc lấy được người chồng hào sảng, tốt bụng nhưng họ không biết được rằng, anh ta sĩ với người ngoài nhưng với vợ lại đong đếm từng đồng.

Bi kịch khi chồng thích "cứu rỗi cả thế giới"

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, hầu hết đàn ông ai cũng có tính "sĩ diện" nhưng chỉ khác nhau ở mức độ và văn hóa sống của từng người. "Sĩ diện" tức là thích được thể hiện mình là người có giá trị, là thích được giữ thể diện của mình trước người khác. Xét về bản chất, điều đó là tốt. Tuy nhiên, khi sự sĩ diện đặt không đúng hoàn cảnh thì nó lại trở thành vấn đề. "Sĩ diện" chỉ tốt khi anh đã hoàn thành vai trò trách nhiệm của mình trong gia đình, trong cộng đồng, trong xã hội. Khi một người đàn ông chưa hoàn thành vai trò trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình nhưng lại thích "cứu rỗi cả thế giới" thì điều tất yếu sẽ nẩy sinh bi kịch cho chính gia đình vợ con và bản thân anh ta. Ví dụ như hai trường hợp nêu ở trên là một ví dụ điển hình.

Để nhận diện những người đàn ông mắc phải "căn bệnh không có thuốc chữa" này, các chuyên gia tâm lý đã đúc rút ra những đặc điểm ở họ như sau:

Luôn khoe khoang về sự giàu có của bản thân và gia đình: Nếu anh ta luôn miệng nói về tiền bạc, sự giàu có của mình để khoe khoang hay dụ dỗ bạn, anh ta đích thị là người coi trọng vật chất hơn tình yêu.

Trong con mắt của anh ta, bạn cũng chỉ là một kẻ ham của cải vật chất, vì tiền mà đến với mình. Tự đắc khi của cải không phải của mình làm ra mà chỉ là của bố thì càng không nên chọn người đó làm chồng. Vì tương lai đây có thể sẽ chỉ là một công tử ăn chơi mà thôi.

Ăn nói tục tĩu, thích dùng bạo lực khi mâu thuẫn đám đông: Đây là biểu hiện của một kẻ cục cằn, vũ phu trong tương lai. Nếu gửi gắm cuộc đời mình cho người đàn ông này, bạn chắc chắn sẽ khổ. Cuộc hôn nhân bạo lực chắc chắn là điều mà bạn không mong muốn phải không?

Những người hơi tí là nói ra lời không hay thậm chí tục tĩu, bạn phải tránh xa ngay lập tức. Đừng để tình yêu làm cho mù quáng mà tin nhầm người nhé.

Thích thể hiện mình là người thông minh, tài giỏi quá mức: Đây cũng đồng nghĩa với việc coi thường, xỉa xói, chê bai người khác. Họ thậm chí còn muốn dìm người khác xuống tận đáy, xúc phạm họ. Nếu tiếp tục quan hệ yêu đương với người này, bạn sẽ phải hối hận. Một người không vị tha như thế liệu có thể là người tôn trọng bạn, yêu thương bạn hết lòng trong cuộc sống hôn nhân về sau không?

Tác giả: Ngân Khánh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP