Tin trong tỉnh

Doanh nghiệp 'đòi xe', huyện Tương Dương chây ỳ không trả

Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Việt Nam phát công văn yêu cầu huyện Tương Dương bàn giao lại 2 chiếc ô tô Mitsubishi Pajero, tuy nhiên địa phương này không thực hiện.

Một trong 2 chiếc xe Mitsubishi Pajero được mua từ nguồn vốn đền bù, di dân và TĐC của dự án thủy điện Khe Bố. Ảnh: Việt Khánh.

Sắm xe ô tô từ… nguồn dự án

Ngày 4/6/2021 Công ty CP phát triển Điện lực Việt Nam , chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố có Công văn gửi đến UBND huyện Tương Dương; Ban quản lý dự án bồi thường, di dân và tái định cư (Ban QLDA); Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư (Hội đồng) kiến nghị “Bàn giao 2 xe ô tô”.

Ban QLDA và Hội đồng đã mua sắm phương tiện để "đi lại thuận tiện" hơn trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố, do Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: Việt Khánh.


Theo đó, để phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư Nhà máy Thủy điện Khe Bố, Ban QLDA và Hội đồng đã tiến hành mua sắm xe ô tô để di chuyển bằng nguồn vốn đền bù, di dân và tái định cư. Đến ngày 30/9/2020, nhận thấy khối lượng công việc đã cơ bản hoàn tất nên các bên liên quan thực hiện bàn giao công việc, đồng thời chấm dứt các hợp đồng.

Tuy nhiên, 2 chiếc xe ô tô nói trên vẫn chưa được bàn giao cho Công ty CP phát triển Điện lực Việt Nam theo đúng quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định.

Công ty CP phát triển Điện lực Việt Nam đã yêu cầu đôi bên phối hợp, qua đó bàn giao 2 xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Pajero – Sport lần lượt mang BKS số 37A - 000.98 và 37A - 002.09 trước ngày 30/6/2021. Dù vậy đã quá thời hạn kể trên, sự việc vẫn chưa được xử lý ổn thỏa.

VNPD phát văn bản kiến nghị bàn giao trước ngày 30/6/2021. Ảnh: Việt Khánh.


Căn cứ Nghị định số 151 ngày 16/12/2017 quy định chi tiết một số điều luật quản lý, sử dụng tài sản công của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 45 của Bộ Tài chính ngày 7/5/2018 về hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản do nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước; Thông tư 58/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện… rõ ràng việc UBND huyện Tương Dương chưa tiến hành bàn giao tài sản cho VNPD là trái với quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, phía huyện Tương Dương đã “mượn xe của doanh nghiệp” ngót chục năm trời. Riêng chiếc ô tô Mitsubishi Pajero – Sport BKS 37A – 002.09 chính thức được đưa vào sử dụng từ 1/12/2012, nguyên giá lúc đó là 1.094.696.500 đồng. Ghi nhận đến 30/9/2020, giá trị xe chỉ còn khoảng… 237.000.000 đồng.

Huyện Tương Dương từ chối trả xe?

Sau khi tiếp nhận Công văn “đòi xe”, ngày 8/7/2021 UBND huyện Tương Dương đã có Văn bản phản hồi số 649/UBND-NL. Một mặt địa phương này thừa nhận trên cơ sở ký kết của 2 hợp đồng, đến ngày 30/9/2020 các bên đã hoàn tất các thủ tục chấm dứt và tiến hành bàn giao việc thực hiện công tác đền bù, di dân và tái định cư của dự án cho Chủ đầu tư thực hiện.

Đáp lại, UBND huyện Tương Dương khẳng định chỉ bàn giao khi chủ đầu tư hoàn thành xong các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ảnh: Việt Khánh.


Mặt khác lại viện dẫn: “Tuy nhiên đến nay công tác hồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án còn nhiều nội dung chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân. Để giải quyết những tồn tại, UBND huyện vẫn thường xuyên phối hợp trực tiếp với chủ đầu tư thủy điện Khe Bố, UBND các xã, thị trấn để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy UBND huyện cần có phương tiện đi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm”.

Từ lập luận trên, UBND huyện Tương Dương khẳng định chỉ bàn giao 2 ô tô “khi hoàn thành tất cả các nội dung chuyên môn liên quan”.

Bởi thế dù đã làm thủ tục bàn giao tài sản từ ngày 30/9/2020 nhưng đến nay xe ô tô Mitsubishi BKS 37A - 002.09 vẫn khoác trên mình "biển xanh", phía UBND huyện Tương Dương vẫn sử dụng. Ảnh: Việt Khánh.


Việc doanh nghiệp cho địa phương “mượn” phương tiện để thuận bề đi lại là thành ý của đối tác chứ không phải thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc. Huyện Tương Dương cần rạch ròi giữa công và tư, không thể lấy tiến độ, khối lượng dự án để “làm tin”.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP