Tin trong tỉnh

Độc đáo bánh chưng đen của người Thái ở Nghệ An

Bánh chưng của người Thái Tày Thanh (Thái đen) ở Nghệ An được nhuộm đen bằng nước tro rơm có vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng. Bánh chưng đen được ưa chuộng không chỉ vì hương vị tinh tế, mà còn vì bánh để được rất lâu, đến hết tháng Giêng vẫn thơm ngon.

Cứ đến ngày 29 tháng Chạp hằng năm, đồng bào dân tộc Thái Tày Thanh (Thái đen) ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An lại tất bật gói bánh chưng đen - loại bánh truyền thống không thể thiếu trên mâm cúng vào ngày Tết của người dân nơi đây. Ngoài hiên nhà, rộn ràng tiếng cười nói của những người con gái Thái, tiếng chày giã gạo, mọi người cùng nhau làm nên chiếc bánh chưng đen độc đáo.

Bánh chưng đen là loại bánh đặc biệt mang nét riêng của người Thái Tày Thanh, nguyên liệu chính chỉ là gạo nếp trắng và được nhuộm đen bằng tro rơm. Cứ bắt đầu vào vụ mùa gặt cuối cùng của năm, người Thái đen lại tích một ít rơm khô để ngày cận Tết gói bánh chưng. Rơm được bà con cất trữ ở đây phải từ cây lúa nếp do chính tay người trong gia đình mình cắt, sau khi rửa sạch phơi khô và cất lên giàn cao ở trong nhà.

Nếp phải chọn loại nếp dẻo thơm nhất, lựa bông đẹp, chắc hạt, đạp lấy hạt, giã đến khi trắng. Rơm chọn những cọng nếp, to, vàng ươm, đem về phơi khô, đốt thành tro, vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm.

Đốt rơm lấy tro làm bánh chưng

Để giữ được tro tốt, người dân sẽ gắp những đống tro còn đỏ ửng vào trong chiếc cối đã đong sẵn gạo nếp.

Tro và gạo nếp được giã đều tay. Mọi công đoạn đều do các bàn tay người phụ nữ làm, tuyệt nhiên đàn ông không được động tay vào.

Hạt nga chiếng (một loại vừng mọc tự nhiên trong rừng) cũng được bỏ thêm vào giã cùng gạo và tro, để tạo vị đậm đà cho bánh.

Chị Lô Thị Loan (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp) cho hay, năm nào gia đình chị cũng tổ chức gói bánh chưng đen vào 29 tháng Chạp. Không gói sớm hơn tránh bánh hỏng không ngon. "Theo phong tục từ rất lâu rồi việc giã gạo đen và chuẩn bị sẽ phải do phụ nữ làm, người đàn ông không được phép làm chỉ đến khi gói bánh thì người đàn ông mới được gói bánh cùng", chị Loan chia sẻ.

Những phụ nữ Thái duyên dáng gói bánh chưng.

Bánh chưng đen người Thái Tày Thanh ở Qùy Hợp không có nhân. Lá gói bánh cũng dùng lá dong rừng rửa sạch, lau khô mới đem gói.

Bánh chưng để cúng ngày Tết của đồng bào nơi đây có 4 loại bánh. Khâu tôm kháu khoài (bánh sừng trâu); khâu tôm cộp (bánh đôi); khâu tôm khuản tụ (bánh gậy); khâu tôm pom (bánh vuông nhỏ).

Bánh “khâu tôm pom” (bánh vuông nhỏ). Bánh này có hình vuông nhỏ, lớn hơn hộp diêm, buộc thành chùm, mỗi chùm 5 bánh. Với ý nghĩa cầu cho sung túc, mọi sự tròn trịa, đầy đủ

Bánh khâu tôm khuản tụ (bánh gậy). Bánh hình chiếc gậy, với ý nghĩa cầu cho người già được sống lâu.

Những đôi bàn tay đen sạm màu tro sau khi gói bánh.

Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. Bánh chưng đen được ưa chuộng không chỉ vì hương vị tinh tế, mà còn vì bánh để được rất lâu, đến hết tháng Giêng vẫn thơm ngon.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP