Tin trong tỉnh

Đổi thay ở tộc người ngủ ngồi, đẻ ngồi, chỉ có hai dòng họ Lê và La

Những hủ tục lạc hậu trong hàng trăm năm đã khiến dân số người Đan Lai giảm dần. Không những vậy, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết quấn lấy họ khiến cho tộc người này có nguy cơ suy thoái giống nòi.

Trẻ sơ sinh nhúng nước suối, sống nuôi chết phải chịu

Sống ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An nên ban đầu việc mưu sinh của người Đan Lai chủ yếu là săn bắn, hái lượm, phát rừng làm rẫy nên vẫn nghèo đói quanh năm.

Người Đan Lai sinh sống trong rừng sâu.

Mặc dù sinh đẻ vô cùng nhiều, tuy nhiên dân số của người Đan Lai mỗi lúc một giảm, có những giai đoạn đáng báo động. Có thời điểm tộc người này chỉ còn hơn 3.000 người. Một phần bởi thiếu kiến thức, thiếu thuốc men, phụ thuộc vào núi rừng. Nhưng đặc biệt chính là bởi những hủ tục lạc hậu kéo dài hàng trăm năm qua, đó là… đẻ ngồi.

Một trong những già của người Đan Lai, ông La Văn Hồng cho biết, trước kia khi đẻ thì người phụ nữ ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay cầm chặt hai sợi dây rừng buộc chặt trên xà nhà, thả xuống. Đẻ xong, người bố bế đứa trẻ sơ sinh ra nhúng xuống suối dù đó là mùa hè nóng nức hay mùa đông lạnh giá.

Ông Hồng nói: “Ngày xưa nơi này còn hoang vu hơn cả bây giờ, thậm chí còn có cả hổ và voi thường xuyên đi qua, nên việc bị thú dữ ăn thịt là chuyện bình thường. Vì vậy tổ tiên làm chòi trên cành cây, đưa vợ con lên đó ngồi ngủ, đẻ ngồi cũng do sợ hổ vồ sinh ra. Vả lại, do không có người đỡ đẻ nên họ tự ngồi đẻ trong nhà”.

Trẻ em Đan Lai không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Theo ông Hồng giải thích, cuộc sống của người dân Đan Lai ở vùng núi rừng bao phủ, khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, sở dĩ có tập tục kì lạ đó là để đứa trẻ nào chịu đựng được cái lạnh bất thường của sông suối ngay từ lúc mới sinh thì về sau sẽ rất khoẻ mạnh, không sợ bệnh tật.

Trước sự thắc mắc của những vị khách từ xa tới về hủ tục này, ông La Văn Linh, Bí thư bản Cò Phạt cười: “Chuyện đó giờ không còn nữa. Nhờ cán bộ dân số, y tế và bộ đội biên phòng đến tuyên truyền thường xuyên nên mọi người hiểu ra rồi. Đến ngày gần sinh thì được đưa xuống trạm Y tế xã để sinh đẻ cho an toàn. Còn người nào sinh ở nhà cũng không cần phải tắm suối nữa, mà có thể nấu nước tắm”.

Theo ông Linh, giờ tục ngủ ngồi không còn nữa do bản mường không còn hoang vu như trước, thú dữ cũng đi hết cả. Bản lại có Trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng, có giường đẻ hẳn hoi nên không còn ai ngồi đẻ ở nhà nữa. Tuy nhiên, bản chất người Đan Lai “ngại” thay đổi, qua hàng trăm năm họ vẫn duy trì nếp sống cũ nên dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề.

Ông Hồng cho biết hiện nay đã có nhiều thay đổi trong cuộc sống người dân nơi đây.

Nhức nhối hôn nhân cận huyết, tảo hôn tộc người Đan Lai

Cũng do sống biệt lập trong rừng, trình độ dân trí thấp nên việc tảo hôn trở nên phổ biến. Không những vậy, trong bản chỉ có 2 dòng họ là họ Lê và La. Vì vậy, thường xảy ra hôn nhân cận huyết thống, con chú con bác, con cô con cậu lấy nhau vòng quanh.

Chị Lê Thị X. năm nay mới 29 tuổi nhưng đã có đến 5 đứa con. Nguyên do là X. lấy chồng từ khi chưa đầy 15 tuổi. Đối với người dân nơi đây, phụ nữ bước sang tuổi 18 mà chưa lấy chồng là ế. Lấy chồng xong, nhiệm vụ của X. chỉ là ăn rồi đẻ con, vì vậy từ năm này sang năm khác X. chỉ đẻ và đẻ, còn việc nương rẫy đã có chồng lo. Cũng vì thế cuộc sống của gia đình chị X. chìm trong nghèo nàn.

Cũng như vậy, chị La Thị L. ở gần đó cưới chồng năm chưa tròn 14 tuổi và đẻ liên tục 3 đứa con. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên cả 3 đứa con L. trông ốm yếu, xanh xao còi cọc. Bên cạnh là vợ chồng La Thị N. cũng cưới nhau khi mới 13 tuổi, nay đã có 2 con nhỏ.

Các giáo viên cắm bản đang cố gắng thay đổi tư duy và nhận thức của các em.

Chị Vi Thị Tố Loan, cán bộ dân số xã Môn Sơn giải thích: “Nguyên nhân thứ nhất là do sự hiểu biết. Thứ hai là do đặc thù kinh tế của người dân. Trẻ em không được ăn học thì phải lập gia đình sớm để đi làm rẫy. Thứ ba là không áp dụng biện pháp phòng tránh nên việc các cặp vợ chồng mỗi năm đẻ một đứa là chuyện bình thường”.

Theo chị Loan, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, thế nhưng bà con còn mang nặng hủ tục. Nhiều em mới 13-14 tuổi đã lập gia đình. Điều đáng nói, một số còn kết hôn trong nội tộc khiến tuổi thọ thấp, trẻ em thì còi cọc, dị tật và chậm phát triển về trí tuệ.

Điển hình như gia đình anh La Văn N. và chị La Thị Ng. cùng chung huyết thống lấy nhau, trong đó mẹ Ng. là chị ruột của bố anh N.. Hậu quả, những người con của gia đình sinh ra còi cọc, đau ốm liên miên. Trong số 3 người con, cháu thứ 2 là La Văn T. (SN 2008) bị suy dinh dưỡng nặng, riêng đôi chân cháu bị liệt từ bé.

Bí thư bản Cò Phạt cho biết hiện nay những hủ tục của người Đan Lai đã không còn nữa.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2016, UBND huyện Con Cuông có 103 trường hợp tảo hôn, trong đó nữ giới chiếm đến 80%. Đặc biệt, Môn Sơn là xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, với 51 trường hợp, chủ yếu là tộc người Đan Lai. Tỷ lệ các cặp lấy nhau trong anh em dòng tộc cũng khá nhiều. Đây là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi và sự tồn tại của tộc người Đan Lai, một trong những dân tộc rất ít người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Ông Lương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Môn Sơn cho biết, từ năm 2015 đến 2019, toàn xã có 35 cặp tảo hôn, trong đó người Đan Lai chiếm đến 80%. “May mắn là hiện nay đã có đường vào tận nơi người Đan Lai ở, các cấp chính quyền cũng tuyên truyền nhiều, chính vì thế việc anh em trong dòng tộc lấy nhau đã giảm đi. Không nặng tính cục bộ như trước nên đã hạn chế hơn việc suy giảm nòi giống”, ông Tuấn nói.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP