Tin trong tỉnh

Dựng lán trên đỉnh đồi để học online

Hàng ngày, sau buổi lao động giúp gia đình, các em học sinh ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An lại lên đồi, vào rừng dựng lán để theo các lớp học online trong mùa dịch Covid-19.

Đối với học sinh miền xuôi, việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khó, với các em học sinh sống ở vùng cao, việc củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 lại khó khăn trăm bề.

Thế nhưng, ở những làng bản xa xôi lừng chừng núi đó, sau những buổi lao động giúp gia đình, các em lại lên núi để đi tìm con chữ…

Học online ở nơi không có điện lưới

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, em Quang Thế Hà, dân tộc Thái, học sinh lớp 10A10 trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc, chưa thể quay lại trường học tập. Nhà Hà ở xã vùng cao của huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - nơi còn chưa được phủ sóng điện lưới quốc gia mà chỉ có điện năng lượng mặt trời để dùng. Do đó, để kết nối được mạng Internet, Hà gặp rất nhiều khó khăn.

Quang Thế Hà chưa bỏ buổi học trực tuyến nào của thầy cô. Ảnh: Ngọc Hoa.

Trước đây khi các thầy cô mới chỉ giao bài tập trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch thì Hà thường làm bài tập ở nhà rồi tìm nơi có mạng Internet ổn định gửi bài cho các thầy cô. Nhưng từ khi trường bắt đầu tổ chức học trực tuyến, việc học trở nên vất vả hơn do mạng kém nên em không tham gia học đầy đủ.

Không ngại khó, Hà tìm lên một đỉnh đồi cao ở cách xa nhà mình gần 30 phút đi bộ rồi tự mình dựng một lán nhỏ để làm nơi học tập vì chỉ ở đây mới có thể bắt được sóng Internet ổn định giúp Hà có thể nghe bài giảng của các thầy cô đầy đủ và rõ ràng nhất.

Từ khi có lán, hàng ngày Hà leo bộ lên đây để học tập theo đúng thời khóa biểu của nhà trường. Học xong em lại quay về tranh thủ làm bài tập tại nhà và phụ giúp bố mẹ các công việc của gia đình.

Cũng như Quang Thế Hà, em Ly Giò Nu, học sinh lớp 12A8, trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc, cũng phải nhọc nhằn lắm mới có thể được tìm sóng điện thoại để vào học online. Một ngày của Nu thường bắt đầu từ 4h30. Sau khi làm hết việc vặt trong nhà, dặn dò 2 em ở nhà chăm sóc bà, Nu cùng bố mẹ đi làm nương.

Các lớp học online bắt đầu lúc 7h30 sáng, đó là khoảng thời gian em xin phép bố mẹ nghỉ tay để vào học. Sóng điện thoại ở khu vực gia đình Nu sinh sống chập chờn, lúc có lúc không, Nu phải leo lên ngọn đồi kế bên nương nhà để bắt sóng.

"Cô ơi, em xin phép không bật camera ạ, mặt và hai tay em đang bẩn lắm". Đó là câu nói các thầy cô thường nghe thấy từ Nu. Năm cuối cấp, Nu cũng như nhiều bạn lớp 12 lo lắng lắm vì lượng kiến thức ngày càng nhiều, nhưng hết giờ học, Nu phải quay lại ngay giúp bố mẹ làm nương. Ngày nào cũng vậy, chỉ sau 21h Nu mới có thời gian ngồi làm bài tập về nhà cũng như chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.

Hỗ trợ thẻ điện thoại để học sinh học online

Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là trường dân tộc nội trú Trung ương, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phần lớn học sinh của trường là con em các dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn của các tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra.

Đối với học sinh miền núi, việc học trực tuyến phải đi hàng km, dựng lán trại bên đồi để có thể học. Ảnh: Ngọc Hoa.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã triển khai việc dạy và học trực tuyến nhằm hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất.

Cô Bùi Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường PT Vùng cao Việt Bắc, chia sẻ ngay từ những ngày đầu nghỉ dịch, tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường đã nghiên cứu và đưa ra một khung chương trình thống nhất chung cho từng khối lớp, triển khai dạy học online đồng loạt cho học sinh toàn trường.

Việc học online đối với học sinh khu vực thành phố, thị xã đã không còn xa lạ, nhưng với đặc thù của trường dân tộc nội trú, phần lớn học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc học online không hề đơn giản. Nơi các em sinh sống không có mạng wifi, sóng điện thoại chập chờn, thậm chí có nơi còn chưa được phủ sóng lưới điện quốc gia.

Để tiếp sức cho các em học sinh không có điều kiện theo học online, cô Lục Thúy Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với nhiều trường hợp không liên lạc được với học sinh, thầy cô giáo phải liên lạc với học sinh khác ở gần để đi tìm. Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường cũng hỗ trợ thẻ điện thoại để các em kết nối, theo dõi bài học…

Tác giả: Ngọc Hoa

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP