Giải trí

Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Tính đến ngày 15/4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sáng 24/4, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức họp báo công bố tình hình lao động làm việc quý I và 4 tháng đầu năm.

Theo số liệu tính đến ngày 15/4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số liệu trên dựa trên kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm.

Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740.000 lao động).

“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết ngành sản xuất kinh doanh”, Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết quý I, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức giảm kỷ lục trong 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên. Con số này giảm 1,2-1,3% so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là gần 1,1 triệu người, tăng 26.100 người so với quý trước. Ảnh: Việt Linh.

Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với cùng kỳ 2018 và 2019.

“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ở hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước và các ngành, nghề lao động”, bà Thủy nói.

Ước tính sơ bộ quý I, cả nước có khoảng 973.800 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 523.000 lao động tạm thời không tham gia thị trường lao động, có 403.500 lao động bị thiếu việc làm và khoảng 47.300 người đang tạm nghỉ việc vì giãn việc, tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc do lượng khách hàng giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước hiện là 55,3 triệu người, giảm 673.100 người so với quý trước và giảm 144.200 người so với cùng kỳ 2019. Sau chuỗi 5 năm tăng liên tiếp, đây là năm đầu tiên lực lượng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhóm lao động làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi người sử dụng lao động thực hiện chính sách cắt, giảm lao động.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là gần 1,1 triệu người, tăng 26.100 người so với quý trước và tăng 26.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi của từ 15-24 trong quý I là 492.900 người, chiếm 44,1% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý I là 7,01%, cao gấp 5,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên).

Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353.000 đồng so với quý trước và tăng 473.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cho biết tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý I so với cùng kỳ năm trước thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập của năm trước (tương ứng là 8,3% so với 19,4%).

Tác giả: Văn Hưng - Kiều Oanh

Nguồn tin: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP