Giáo dục

Giáo viên vượt đường khó, đến tận nhà học sinh vùng sâu giao bài tập

Thương học sinh nghèo vùng sâu không được học online mùa dịch, nhiều giáo viên ở Đắk Lắk không quản vượt đường xa, giao bài vở tận nhà.

Mang chữ đi gõ cửa từng nhà

Ở những buôn làng của huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đến sóng điện thoại còn chập chờn thì với học sinh nơi đây việc học qua điện thoại, máy tính hay Internet là thứ quá xa vời.

Thương học trò hơn hai tháng không được học "con chữ", cô Lưu Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Eapok, huyện Cư M’gar) tranh thủ dậy sớm, mang theo xấp tài liệu mà cô soạn sẵn đi đến tận nhà học sinh.

Thương học sinh không có điều kiện học online, nhiều thầy cô tới từng nhà giao bài cho các em.

Hơn 7 giờ sáng, cô Hương có mặt tại buôn Lang (thị trấn Ea Pốk). Thấy cô đến, mấy đứa nhỏ vui sướng, chạy lại ôm chầm lấy. Cứ qua mỗi nhà trong buôn, cô Hương lại nán lại một tí, hỏi han sức khoẻ gia đình, xem bọn trẻ ở nhà có chịu khó đọc bài hay chưa, chỗ nào chúng chưa hiểu thì cô tỉ mẩn chỉ bảo.

Đến trưa, xấp tài liệu trên tay vẫn còn nhiều. Cái nắng gay gắt của trời Tây Nguyên tháng không làm đôi chân cô mỏi, vì bọn trẻ, cô Hương quyết tâm đi phát cho bằng hết. Cô gõ cửa từng nhà, nếu không may một số em theo cha mẹ lên rẫy, cô nhờ hàng xóm đưa giúp.

Cô Hương tâm sự: “Thấy các em nhớ trường lớp, nhiều em hay gọi điện hỏi thăm khi nào đi học lại nên các thầy cô cố gắng tuần nào cũng thay phiên nhau tới giao bài, kiểm tra bài tập cho các em”.

Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi, cô Lưu Thị Hương giảng cho học sinh những chỗ các em chưa hiểu.

Được cô giáo chủ nhiệm tới tận nhà hướng dẫn cách làm bài tập, H’Dao Ênuôl không giấu được niềm vui. Em cho biết, nhiều ngày không đi học, em rất nhớ lớp, bạn bè và cô giáo. Lâu lâu, em nhờ mẹ gọi điện trò chuyện với cô. Bài tập nào chưa hiểu em hỏi bố mẹ hoặc chờ cô giáo đến hỏi. Làm xong bài tập, em mới đi chơi hoặc theo mẹ đi rẫy.

Tương tự như cô Hương, thầy Đỗ Trung Kiên - giáo viên trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Cư M’gar) cũng tới tận nhà học sinh để giao bài tập, mong các em không quên con chữ.

“Thấy chúng tôi giao bài vở tận nhà, học sinh và phụ huynh rất phấn khởi. Vì có bài tập, sau này quay lại trường các em đỡ bỡ ngỡ. Thường thì qua 1 tuần, chúng tôi sẽ đi thu bài, hầu hết các em đều hoàn thành theo kế hoạch được giao”, thầy Kiên phấn khởi.

Hành trình “cõng chữ” lên bản mùa dịch

Thầy Nguyễn Đức Thuần, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám cho hay, trường có 371 học sinh, trong đó chỉ 4 em người Kinh, còn lại con em đồng bào Êđê. Do điều kiện đời sống khó khăn, nhiều gia đình không có thiết bị như điện thoái, máy tính, Internet để học online nên nhà trường dùng cách in bài tập phát tận nhà học sinh.

Một tuần một lần giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà học sinh phát bài mới, thu bài cũ. Chỗ nào học trò không hiểu, giáo viên hướng dẫn thêm. Nội dung bài tập chủ yếu củng cố kiến thức, giúp học sinh không quên mặt chữ trong mùa dịch.

Thầy Đỗ Trung Kiên tuần nào cũng tới từng nhà học sinh để giao bài tập, mong các em không quên mặt chữ.

Tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Cư M’gar), giáo viên cũng đến tận nhà giao bài cho học sinh. Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng trường cho biết: "100% học sinh người Êđê. Để việc triển khai giao bài tập về nhà cho học sinh đạt hiệu quả, thầy luôn theo dõi số lượng đề bài phát ra, thu về mỗi tuần. Ngoài thời gian trực tại trường, thầy còn tranh thủ đến nhà các em gần trường kiểm tra, nắm tình hình học bài".

Liên quan đến công tác giáo dục cho các học sinh vùng cao mùa dịch, ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar cho biết: “Từ khi học sinh nghỉ học phòng chống dịch COVID-19, Phòng đã triển khai dạy học online theo hướng dẫn của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, địa bàn huyện trải rộng, nhiều nơi vùng sâu vùng xa không có điều kiện học online nên Phòng đã có công văn chỉ đạo các trường trên địa bàn chủ động phương án dạy học phù hợp", ông Quynh nói và cho biết hiện có 16 trường tiểu học thực hiện việc giao bài tập đến từng nhà học sinh, giúp cố kiến thức, không quên con chữ trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh.

Tác giả: BẢO LÂM - HIỀN MAI

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP