Tin trong tỉnh

Giữ lại chung cư Quang Trung cũ nát làm di sản, có khả thi?

Vừa qua, dư luận TP. Vinh (Nghệ An) xôn xao trước ý tưởng đề xuất giữ lại 1 phần chung cư Quang Trung đã cũ nát làm "di sản".

Khu chung cư Quang Trung đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PV

Di sản kiến trúc đô thị

Khu chung cư Quang Trung (TP. Vinh) khởi công năm 1974, từ sự viện trợ của Cộng hòa dân chủ Đức. Đến đầu những năm 1980, khu Quang Trung đã hình thành 24 tòa nhà 5 tầng, 1.829 căn hộ, tổng diện tích 41.233m2. Trong quần thể khu chung cư Quang Trung có 6 trường học các cấp, cùng các công trình văn hóa, thể thao và thương mại.

Bên trong một tòa nhà thuộc chung cư Quang Trung. Ảnh: PV

Hiện nay khu chung cư Quang Trung đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân. Dự án thay thế, tái định cư cho các hộ dân ở đây đã được triển khai và trong giai đoạn hoàn thành.

Ông Phạm Xuân Cần – nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đề xuất giữ lại một phần khu chung cư Quang Trung.
Theo đó, gia cố, tu bổ lại, cố gắng phục dựng nguyên trạng, lập hồ sơ đề nghị công nhận tòa nhà, hoặc một phần của tòa nhà được chọn là di tích lịch sử, khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản.

Ông Cần cho rằng khu chung cư Quang Trung là di sản đô thị, biểu tượng cho sự hồi sinh của Vinh sau chiến tranh, cho tình hữu nghị đặc biệt Việt – Đức, nơi cư trú của nhóm cư dân phần lớn là trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ lãnh đạo.


Để phát huy “di sản” nói trên (nếu được bảo tồn), theo ông Phạm Xuân Cần có thể những căn hộ thành nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh, mô hình về khu chung cư Quang Trung, hoặc có thể cho những người thu nhập thấp ở, hoặc kinh doanh.

Ý tưởng của ông Phạm Xuân Cần được nhiều người tán đồng. Anh Nguyễn Lê Huyên – cán bộ tại TP Vinh nói: “Khu Quang Trung đã cũ và hư hỏng, nhưng vẫn có thể bảo tồn vì đó cũng là lịch sử, chiều sâu văn hoá của thành phố Vinh, chứa chất biết bao ký ức của người dân Vinh, nếu khu Quang Trung được sửa chữa để bảo tồn, không gian được trả lại như ngày xưa thì rất đẹp và ý nghĩa, có khi lại trở thành khu văn hoá, đi bộ của người dân”.

Nguy cơ thành “di sản chết”

Việc giữ lại khu chung cư Quang Trung làm di sản khó khả thi. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng bảo tồn một phần khu chung cư Quang Trung. Anh Hoàng Phúc Nguyên- cư dân phòng 344, C2 Quang Trung nói: “Không thể giữ lại, dù chỉ một phần chung cư Quang Trung, vì cơ bản công trình đã hết tuổi thọ, xuống cấp nghiêm trọng, sẽ rất khó khăn và tốn kém trong duy tu, bảo vệ. Nếu giữ lại, nó sẽ xấu xí, lạc lõng giữa các kiến trúc hiện đại xung quanh. Kiến trúc của nó cũng không có gì quá độc đáo để thu hút khách du lịch”.

“Giả sử một phần chung cư Quang Trung được giữ lại, sẽ sử dụng vào việc gì? Buôn bán, kinh doanh hay cư trú không thể thực hiện được vì công trình ngày càng xuống cấp, nguy hiểm, thiếu tiện nghi. Ý tưởng thu hút du khách cũng rất xa vời. Còn trưng bày hiện vật, tư liệu về chung cư… thực chất cũng không có gì hấp dẫn, chỉ một số rất ít người quan tâm.

Do đó, nếu được giữ lại, phần chung cư cũ nát còn lại không sụp đổ thì cũng thành “di sản chết”. “Một di sản “chết” sẽ nhanh chóng bị xuống cấp và bị lãng quên, trở nên lãng phí” – nhà nghiên cứu Hoàng Tùng – TP. Vinh, trao đổi.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng Phòng Quản lý Di sản – Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc giữ lại một phần chung cư Quang Trung làm di sản chỉ mới là ý kiến cá nhân của ông Phạm Xuân Cần, chưa có ý kiến chính thức đề xuất gửi tới Sở Văn hóa Thể thao tỉnh. Theo tôi, muốn giữ lại thì cần phải có sự đồng thuận của dư luận xã hội, có trong quy hoạch, phải được tính toán hết sức kĩ lưỡng. Nếu chỉ giữ lại 1 phần thì không hình dung được về không gian tổng thể của khu chung cư này; về sau càng xuống cấp, khó bảo tồn. Trước đây Nghệ An có một số di sản, chứng tích chiến tranh cũng không thể lưu giữ, bảo tồn được”.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP