Tin trong tỉnh

Hàng nghìn cán bộ, giáo viên tại Nghệ An chưa có lương từ tháng 1/2020

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 5.200 cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập, nhân viên nấu ăn trường mầm non, tiểu học bán trú chưa được nhận lương từ tháng 1 - 4/2020.

Mặc dù không có lương nhưng giáo viên Trường THPT Đinh Bạt Tụy vẫn duy trì việc dạy và học trong thời gian nghỉ dịch.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc dù học sinh không đến trường nhưng hơn 1 tháng qua, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, giáo viên môn Toán, Trường Trung học phổ thông Đinh Bạt Tụy, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn dạy online cho học sinh. Đặc biệt là giáo viên đảm nhiệm dạy học sinh lớp 12 - năm cuối cấp, cô Thúy luôn đặt chất lượng học tập của học sinh lên hàng đầu.

Dù là học sinh thi trung học phổ thông quốc gia chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp hay xét tuyển vào các trường đại học thì cô Thúy vẫn mong muốn các em có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất dù đã 4 tháng nay cô chưa được nhận lương. Ngoài việc dạy học trực tuyến, cô Thúy còn ra bài, đề kiểm tra, thi thử cho học sinh. Sau đó, chấm kiểm tra năng lực, mức độ tiếp nhận kiến thức của các em.

“Xác định không có lương, chúng tôi vẫn thực hiện công việc dạy học bình thường, không chỉ trong thời gian chính khóa mà cả buổi tối. Đặc biệt, đối với giáo viên dạy lớp 12 như tôi luôn đặt chất lượng học sinh lên trước hết. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có sự hỗ trợ nào đó cho giáo viên hệ ngoài công lập bớt khó khăn, vất vả trong giai đoạn này”, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy bày tỏ.

Trường Trung học phổ thông Ngô Trí Hòa là trường ngoài công lập ở huyện Diễn Châu. Nhà trường hiện có 41 cán bộ, giáo viên. Trước đó, mỗi tháng, nhà trường chi gần 300 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội và khoảng 240 triệu đồng tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường đang phải nợ bảo hiểm xã hội và không có nguồn chi trả lương cho giáo viên.

“Dù biết thiệt thòi nhưng chúng tôi vẫn động viên cán bộ, giáo viên nhà trường cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để đảm bảo duy trì việc dạy học, ôn tập xuyên suốt cho học sinh”, thầy Lê Văn Cúc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Trí Hòa cho hay.

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến nhưng không được thu phí của học sinh, phụ huynh. Vì vậy, cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập, đặc biệt là bậc Trung học phổ thông thời gian này đều đang dạy học không lương; đời sống của giáo viên lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 82 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông. Do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường học phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Từ tháng 1 - 4/2020, có trên 2.200 cán bộ, nhà giáo, người lao động đang làm việc tại các trường ngoài công lập chưa được trả lương. Ngoài ra, có 3.000 nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học bán trú công lập cũng không có lương do không có việc làm.

Trước thực tế trên, Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An đã báo cáo Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất Chính phủ đưa các cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng với cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị, nhân viên nấu ăn tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bán trú vào diện được hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời đề xuất Bảo hiểm xã hội giãn nợ, hoãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi nộp chậm trong thời gian từ tháng 2 - 6/2020.

“Hiện các trường trung học phổ thông ngoài công lập vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dạy học trực tuyến bình thường. Tuy nhiên, do học sinh không đến trường, các trường không thu được học phí nên các thầy cô làm việc không lương. Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo bên cạnh hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn dạy học thì có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị này”, ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An kiến nghị.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP