Tin trong tỉnh

Kẻ sát hại nữ nhân viên cây xăng ở Nghệ An đối mặt với những tội danh nào?

Nếu đối tượng phạm tội có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, dù chỉ phạm tội Giết người cũng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tử hình.

Khoảng hơn 2h ngày 10/7, chị Trần Thị Phượng (37 tuổi), ngụ xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhân viên Công ty xăng dầu đang ngủ tại cửa hàng xăng dầu Quỳnh Giang, bất ngờ bị một người đàn ông dùng hung khí tấn công.

Toàn bộ hình ảnh về nghi phạm được camera tại cửa hàng xăng dầu ghi lại. Cơ quan công an cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và hiện trường. Bước đầu, qua khám nghiệm cho thấy nạn nhân bị đâm nhiều nhát, trong đó có 2 nhát trúng ngực, 1 nhát ở lưng và một số vết cắt ở tay do giằng co qua lại với hung thủ. Qua đoạn video từ camera an ninh của cây xăng cho thấy, sự việc xảy ra rất nhanh, kéo dài chỉ tầm 2 phút.

Hiện trường xảy ra vụ việc.

Thời điểm này, chị Trần Thị Phượng đang nằm ngủ tại hành lang của cây xăng dầu. Sau khi gây án, kẻ lạ mặt nhanh chóng bỏ đi khỏi hiện trường. Phát hiện sự việc, nam nhân viên đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng chị đã tử vong từ trước. Qua khám nghiệm cho thấy nạn nhân không bị mất tài sản gì, điện thoại và các thứ khác vẫn còn...

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau: Đây là vụ trọng án với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của đối tượng đã xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ. Dù với bất cứ động cơ, mục đích nào thì cũng không thể biện minh trước tội ác mà hung thủ đã gây ra cho nạn nhân.

Đối tượng đã lợi dụng đêm tối, bịt mặt, sử dụng hung khí con dao đâm chết nạn nhân ngay tại gian phòng của cửa hàng xăng dầu Quỳnh Giang rồi bỏ trốn. Trước tiên, hung thủ đã sử dụng hung khí đâm liên tiếp vào nạn nhân gây tử vong thể hiện sự công đồ hung hãn đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS.

Nói về các mối quan hệ của chị Phượng đối với gia đình, bạn bè, được biết, chị Phượng là người sống hiền lành, tốt tính, chưa bao giờ xảy ra xích mích với ai. Vợ chồng chị Phượng chỉ làm công ăn lương, không buôn bán gì nên không có mâu thuẫn với ai. Chồng chị Phượng làm bên bảo hiểm xe máy. Mối quan hệ giữa vợ chồng chị Phượng cũng không có gì bất thường. Như vậy, có thể thấy nhiều khả năng hung thủ sát hại chị Phượng không có liên quan đến mâu thuẫn cá nhân về tình cảm hay tiền bạc. Nếu có mâu thuẫn này thì chắc chắn trước đó mọi người trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ biết phần nào.

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, hung thủ lựa chọn sát hại chị Phượng vào thời gian khoảng hơn 2h sáng phù hợp với thời điểm mà các đối tượng thường trộm cắp đột nhập vào nhà dân vì đó là lúc con người đã ngủ say giấc nhất. Hung thủ có thể là người sinh sống ở địa phương gần cửa hàng, biết cây xăng dầu có tiền thu hàng ngày để lại, nhân viên ít người ở lại ngủ đêm, công tác bảo vệ còn sơ sài,… nên đã lợi dụng sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản.

Khi hung thủ mở cửa vào gian phòng để trộm cắp tài sản thì phát hiện chị Phượng đang ngủ. Nghe tiếng động, chị Phượng tỉnh ngủ, bật dậy thấy có người đột nhập chưa kịp kêu lên thì đối tượng lao vào bịt mồm, dùng dao đâm liên tiếp và dù chị Phượng có chống cự lại theo bản năng cũng không thoát khỏi những nhát dao chí mạng.

Sau khi thấy chị Phượng bị đâm nằm bất tỉnh, hung thủ đã lo sợ bị phát hiện nên bỏ trốn ngay và chưa kịp chiếm đoạt tài sản.

Sau này khi bắt được hung thủ, nếu có căn cứ xác định đối tượng có ý định nhằm vào bất kỳ tài sản nào trên người chị Phượng như dây chuyền, điện thoại,… hay tài sản khác của cửa hàng nhưng do bị phát hiện, chống cự không chiếm đoạt được thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.

Trường hợp đối tượng mới chỉ đang đột nhập vào cửa hàng để dò xét, tìm kiếm tài sản mà chưa xác định được cụ thể tài sản chiếm đoạt mà bị phát hiện thì hành vi đó chưa thỏa mãn dấu hiệu tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS. Trường hợp này, đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013.

Hành vi phạm tội của đối tượng thấy rất manh động, táo tợn, coi thường tính mạng người khác, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nếu đối tượng phạm tội có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, dù chỉ phạm tội Giết người cũng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tử hình.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Tác giả: Tuệ An

Nguồn tin: Antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP