Trong nước

Không để tình trạng 'tắc đường, tắc tiền' khi xây dựng Chính phủ điện tử

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.

Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên nêu cụ thể những rào cản, vướng mắc cần tập trung thảo luận, tháo gỡ trong triển khai Chính phủ điện tử là gì?.

“Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính, thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc, hay thiếu về thể chế…”, Thủ tướng nói.

Ra mắt Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP

Không nên nhiều người chỉ đạo, nhà nhà làm dự án

Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, Bộ Công an đang tiếp tục xây dựng thông tin điện tử và đạt được một số kết quả.

Lấy ví dụ từ việc làm visa điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, qua những việc này đã tháo gỡ được rất nhiều vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và chống tiêu cực.

Ông cũng nêu bất cập việc quản lý CMND hiện nay có nhiều lỗ hổng, có tình trạng rất nhiều người không phải người Việt Nam, thậm chí không biết tiếng Việt nhưng vẫn được cấp chứng minh Việt Nam vì dịch vụ rất đơn giản.

Theo Bộ trưởng Công an, Chính phủ điện tử không chỉ của Chính phủ mà là toàn dân, việc đánh giá hiểu biết, sử dụng của người dân với những thành tựu của Chính phủ điện tử vô cùng quan trọng.

“Theo thế giới đánh giá, hiện nay chúng ta còn đang ở vùng trũng của CNTT. Nếu ta phát triển thành nước tầm cỡ đứng đầu khu vực, của thế giới, trong bảo vệ an ninh mạng luôn xác định đây là cuộc chạy đua vũ trang", Bộ trưởng Công an nói.

Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, chúng ta chậm về Chính phủ điện tử là do cách làm.

Ông đề xuất đối với các dự án nền tảng cho Chính phủ điện tử thì không nên nhiều người chỉ đạo, nhà nhà làm như vừa qua mà nên một người chỉ đạo, một số ít các DN lớn làm thì mới nhanh được, đảm bảo sự thống nhất, chuẩn hoá và cả chia sẻ thông tin.

Quyền Bộ trưởng TT&TT cho hay, trong lúc NSNN hạn hẹp nên tăng cường sử dụng nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực DN.

Về kiến trúc Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã sửa đổi và nhanh chóng thông qua năm 2018 theo tinh thần phù hợp, các bộ ngành nhìn vào là có thể làm được.

Quyền Bộ trưởng cho rằng, nên song song việc đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng của 2 Bộ TT&TT và Bộ Công an.

“Sự thịnh vượng của đất nước phải dựa trên internet, nhưng bản chất internet lại không an toàn và chúng ta phải chấp nhận điều này, đi song song”, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phải có "kỷ luật sắt"

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu một số hạn chế của việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt như kỳ vọng như: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin chậm, an ninh bảo mật thấp; Chưa phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao nhưng lộ lọt thông tin rất lớn ảnh hưởng đến bí mật nhà nước, đến bảo vệ quyền lợi cá nhân; Cán bộ 1 số địa phương còn tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện. Không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhắc nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trước hết các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

“Đồng ý phải có một đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư CNTT, cơ sở dữ liệu khác nhau. Phải làm sao tiết kiệm được cho quốc gia”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, an toàn an ninh, đảm bảo an toàn quốc gia và thông tin cá nhân rất quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lật đổ chế độ chúng ta rất quyết liệt nên cần lưu ý cách thực hiện, không thể làm 1 chiều.

Thủ tướng chứng kiến ký kết quy chế phối hợp giữa VPCP với Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ. Ảnh: VGP

Ngoài ra, việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số cần có kế hoạch tổng thể để triển khai nhiệm vụ cụ thể, gắn kết chặt chẽ CCHC, bắt kịp xu thế đổi mới, nhanh chóng phục vụ CMCN 4.0.

Thủ tướng cũng đề nghị trong tháng 10 Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử chính thức.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ TT&TT nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt triển khai các dự án ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử, không để tình trạng “tắc đường tắc tiền”.

Tác giả: Hương Quỳnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP