Kinh tế

Không nói chuyện sa thải nhân viên, trước hết cắt giảm lương lãnh đạo

Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều nơi hoạt động giảm xuống mức tối thiểu. Đây là lúc các giải pháp hỗ trợ được đưa ra trong doanh nghiệp cũng như giữa các DN với nhau.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, từ hôm nay (30/3), mỗi hãng hàng không chỉ được bay 1 chuyến/ngày trên 5 đường bay nội địa chính nhằm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 tuần lễ được xem là quan trọng bậc nhất.

Thông tin này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hàng không như VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết hay hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Trước đó, các hãng hàng không đã lần lượt đóng cửa bay quốc tế và giảm các đường bay nội địa.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 30/3, cổ phiếu VJC của VietJet tiếp tục giảm mạnh hơn 3.000 đồng xuống dưới 94.000 đồng/cp. HVN của Vietnam Airlines cũng giảm hơn 1.000 đồng về gần 18.000 đồng/cp.

Như vậy, chỉ trong hơn 2 tháng qua, cổ phiếu VJC đã bốc hơi 35% từ mức khoảng 145 ngàn đồng/cp xuống dưới 94 ngàn đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của VJC bốc hơi hơn 27 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,2 tỷ USD) xuống chỉ còn hơn 50 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh bị đình trệ nặng nề do dịch Covid-19 nhưng các cổ phiếu hàng không như VJC hay HVN vẫn được xem là giảm ít hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường, nơi mà hàng loạt cổ phiếu giảm 50-70%.

Nữ tỷ phú Phương Thảo lèo lái "con tàu" Vietjet vượt khó khăn do dịch Covid-19.

Nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, gần đây, nhiều lãnh đạo của các hãng bay nội địa đã chủ động đề xuất cắt giảm lương thưởng để hỗ trợ giảm áp lực lên doanh nghiệp và toàn ngành trước diễn biến dịch Covid-19 lây lan rộng.

Tại VJC, ban giám đốc giảm 25% lương, phó giám đốc giảm 20% và cấp trưởng phòng phải điều chỉnh 10% lương thưởng so với trước đây... Hãng Bamboo Airways cũng đã quyết định cho một số cán bộ nhân viên nghỉ không lương và nghỉ luân phiên, đồng thời điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi.

Ước tính đến giữa tháng 3, ngành hàng không ước tính thiệt hại lên tới 30.000 tỷ đồng do việc cắt giảm, dừng đường bay cả quốc tế và trong nước. Do đó, gần đây, Bộ GTVT đã kiến nghị được phép hỗ trợ giảm 50% phí cất/hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa kể từ 1/3 đến hết 31/5.

Bộ cũng đề nghị Chỉnh phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ: miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong vòng 3 tháng.

Việc giá xăng dầu (trong đó có xăng máy bay) giảm mạnh cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không.


Thủ tướng Chính phủ cũng vừa cho biết đã đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khoá "lớn gấp nhiều lần" gói tài khoá 80.000 tỷ đồng, trong đó có thông tin quan trọng là DN sẽ được vay không lãi suất để trả lương nhân viên. Đây được xem là một trong những chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ DN giảm thiểu sa thải lao động trong bối cảnh khó khăn. Chính sách này sẽ tác động tới hàng triệu lao động.

Trước đó để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 280 ngàn tỷ đồng, gồm 250 ngàn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các doanh nghiệp chịu tác động Covid-19. Cùng đó, 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ tài khoá này sau đó được Bộ Tài chính đề xuất tăng lên trên 80.000 tỷ đồng.

Hiện tại, kinh tế Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang bị ảnh hưởng toàn diện khi cùng lúc chịu tác động cả từ phía cung và cầu. Tác động kép đã ảnh hưởng tới tất cả thị trường đầu ra và đầu vào chủ lực, sản xuất và tiêu dùng.

Lĩnh vực du lịch, vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index sáng 30/3 tụt giảm, mất khoảng 35 điểm, xuống còn 660 điểm.

Tất cả 30 cổ phiếu trụ cột VN30 đều giảm giá, trong đó nhóm bộ 3 Vingroup giảm sàn; bán lẻ như Thế Giới Di Động, PNJ giảm sàn; nhóm ngân hàng cũng có nhiều cổ phiếu giảm hết biên độ cho phép như VPBank, HDBank.

Giới đầu tư lo ngại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trên thế giới và cả Việt Nam. Số lượng người nhiễm trên phạm vi toàn cầu đã vượt ngưỡng 700 ngàn người, số ca tử vong gần 34 ngàn trường hợp.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo SHS, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục là tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu trong tuần qua. Mỹ đã phải tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái. TTCK Việt Nam sau khi rơi liên tiếp hai phiên đầu tuần đã hồi phục trở lại trong ba phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nếu tính trong cả tuần thì thị trường vẫn giảm điểm và VN-Index vẫn chưa lấy lại được ngưỡng 700 điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 1.500 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần theo dõi. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2020 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 27,23 điểm, thể hiện sự tiêu cực lớn của nhà đầu tư đối với xu hướng thị trường.

Dự báo, trong tuần giao dịch 30/3-3/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt quanh ngưỡng 700 điểm (trendline nối các đáy từ đầu 2012 đến nay) và ngưỡng 640 điểm (trendline nối các đáy từ đầu 2009 đến nay). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục tiếp tục tận dụng những nhịp hồi phục về ngưỡng kháng cự quanh 700 điểm để hạ dần tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể canh những nhịp thị trường giảm về ngưỡng hỗ trợ quanh 640 điểm để bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3, VN-Index tăng 1,85 điểm lên 696,06 điểm; HNX-Index giảm 0,46 điểm xuống 97,35 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 48,82 điểm. Thanh khoản đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V.Hà

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP