Du lịch

Làm gì để du khách yêu mến Việt Nam hơn?

Nằm trong khuôn khổ các chuyên đề của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 – năm 2019, nhiều chuyên gia, đại biểu nhận định đa phần du khách quốc tế đến Việt Nam đều “một đi không trở lại”. Để giải quyết vấn đề này, vấn đề quan trọng là làm thế nào để du khách yêu mến Việt Nam hơn.

Du lịch Việt Nam cần đa dạng hơn nữa các hoạt động trải nghiệm với du khách quốc tế.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền

Có thể thấy, trải nghiệm của du khách quốc tế đã bắt đầu trước khi du khách đặt chân tới Việt Nam. Đó là bài toán xúc tiến, quảng bá du lịch của đất nước, truyền cảm hứng tới du khách, khiến họ mong muốn khám phá Việt Nam.

Một trong những vấn đề cần giải quyết là một thông điệp gợi mở, hiệu quả. Hiện, slogan của du lịch Việt Nam là “Vietnam - Timeless Charm” (Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận). Được biết, giá trị cơ bản của thương hiệu du lịch này bao gồm các giá trị: Thời gian, sự mãnh liệt, sự huyền bí và sự cam kết gắn liền với bốn dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hoá, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố.

Song, slogan này chỉ được đánh giá là tạm ổn, còn khá chung chung, chưa thể hiện đặc thù của Việt Nam. Vấn đề tương tự cũng được đặt ra với hình ảnh bông hoa sen là logo của ngành Du lịch Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, đến nay, người nước ngoài biết đến Việt Nam chủ yếu vẫn qua những cuộc chiến tranh hào hùng trước các đế quốc hùng mạnh. Đó cũng là động lực chủ yếu của rất nhiều du khách Âu – Mỹ tìm đến Việt Nam.

Vậy phải chăng có nên tận dụng điều này thông qua việc sử dụng những biểu tượng lịch sử, gắn liền với các công cuộc đấu tranh, giải phóng và xây dựng đất nước của dân tộc. Hình ảnh hoa sen có thể mang tính biểu trưng cho cái đẹp nói chung, nhưng không hoàn toàn thể hiện được cái riêng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2/2019. (Ảnh TTXVN)

Dù là sử dụng hình ảnh nào, hiệu quả của bộ nhận diện thương hiệu cần khơi gợi cảm hứng du lịch và khám phá cho du khách. Để giải quyết được điều này, câu hỏi tiên quyết cần xác định chính là giá trị nổi bật của du lịch Việt Nam là gì.

Bên cạnh việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, việc truyền bá thông điệp du lịch cũng đang còn hạn chế. Ngân sách dành cho xúc tiến của du lịch Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu USD (từ chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia), rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... có ngân sách lên tới hàng chục triệu USD. Trong bối cảnh đó, cần phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp, địa phương và tìm ra những cách làm mới, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Kinh nghiệm từ Quảng Bình

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: Mặc dù ngân sách không có nhiều nhưng nhờ các chính sách tích cực, du lịch Quảng Bình đã xây dựng được nhiều thương hiệu hấp dẫn như động Thiên Đường, hang Tú Làn. Đặc biệt là hang Sơn Đoòng đã được thế giới biết đến, được các trang web du lịch nổi tiếng Lonely Planet (Úc) và kênh truyền hình National Geographic (Mỹ) vinh danh là “hang động lớn nhất thế giới”.

Theo ông Dũng, với lợi thế về thiên nhiên, hệ thống hang động, rừng tự nhiên, các khu di tích lịch sử, chính quyền địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các chương trình du lịch. Chính quyền chủ động cải thiện cơ chế thủ tục đầu tư. Đồng thời, tham gia vào việc quản lý, bảo tồn để phát triển du lịch bền vững. Các sản phẩm du lịch phải đảm bảo thân thiện môi trường.

Các doanh nghiệp khi xây dựng tour du lịch phải tính toán đến sức chứa của khu, hạn chế số lượng vào hang Sơn Đoòng. Quảng Bình cũng áp dựng chính sách hạn chế thời gian du lịch, dừng các tour tuyến một thời gian để hệ sinh thái về lại bình thường.

Theo đó, công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn vẫn nên bám sát những xu hướng chung của quốc gia như xu hướng tận dụng nguồn lực xã hội hoá nhưng cũng không nên xa rời các xu hướng chung của thế giới như xu hướng du lịch xanh, du lịch bảo vệ môi trường.

Không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ

Trên thực tế, khách du lịch trước khi đặt chân đến điểm đến đều nghiên cứu, tìm hiểu trước các nguồn thông tin. Những thông tin tiêu cực có thể khiến họ ái ngại việc có nên đến Việt Nam hay không.

Anh SungJae Jung (Hàn Quốc) chia sẻ: “Khi tìm hiểu tình trạng trộm cắp, cướp giật ở Việt Nam xảy ra tương đối nhiều, tôi đã phải suy nghĩ rất lâu khi đến đây. Sau khi làm việc ở đây khoảng 3 tháng, tôi mới nhận ra tình hình không tồi tệ như nhiều thông tin báo chí đã đưa. Tuy nhiên, nó cũng ở mức gây báo động đối với những người nước ngoài như tôi, hoàn toàn xa lạ với văn hoá, xã hội của Việt Nam”.

Từ câu chuyện tài xế xích lô “chặt chém” giá cả du khách người Nhật, chèo kéo, ép giá du khách Tây ở phố cổ Hà Nội đến việc nữ nhân viên lễ tân một khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh vô ý xếp một vị khách Tây vào phòng đã có khách đặt khiến vị này bị mất các tài sản quan trọng tới hàng chục triệu đồng… Các hiện tượng này đã và đang khiến cho du lịch Việt Nam ngày càng mất điểm trước bạn bè quốc tế.

Thái độ làm ăn chụp giật và phong cách thiếu chuyên nghiệp chính là một trong những yếu tố khiến du khách quốc tế “một đi không quay trở lại”. Trên trang web review du lịch nổi tiếng Trip Advisor, nhiều du khách quốc tế đã thẳng thắn bình luận họ sẵn sàng chọn Malaysia, Thái Lan thay vì Việt Nam bởi các yếu tố về ngôn ngữ, vệ sinh, giao thông, môi trường và thái độ phục vụ.

“Giao thông Việt Nam là điều tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua”, “Tôi cảm thấy không thoải mái khi người đi đường có thể vứt rác ở mọi nơi”, “Mặc dù hiểu rằng Việt Nam không phải đất nước chủ yếu sử dụng tiếng Anh, nhưng tôi vẫn cảm thấy thất vọng khi giao tiếp khó khăn với người bản xứ lúc cần hỏi điều gì”… là một số bình luận của du khách.

Bên cạnh đó, nhiều du khách còn thiếu tin tưởng đối với các dịch vụ của Việt Nam về độ minh bạch giá cả, chất lượng dịch vụ. Điều này dẫn tới xu hướng họ sẽ sử dụng các dịch vụ của nước họ, hoặc thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam để an tâm hơn.

Đồng thời, nắm bắt được tâm lý cần đi liền với nắm bắt được hành vi của du khách. Theo nghiên cứu của Google, hành vi của khách du lịch hiện nay ngày càng phức tạp, nhiều lựa chọn hơn và nhiều yêu cầu cao hơn; vì vậy việc cung cấp dịch vụ cần phải được cá nhân hóa, riêng biệt theo từng nhóm khách hàng. Ví dụ khách Nhật Bản thường cần thông tin chi tiết về điểm đến, các dịch vụ phải đạt chuẩn; khách Ấn Độ thường có các yêu cầu về ăn kiêng và visa; khách Australia có xu hướng mong muốn tự xây dựng tour riêng và lên chương trình sớm…

Ngoài ra, mức độ thuận lợi về visa có thể làm tăng hoặc giảm lượng khách đến một quốc gia, có thể khiến cho du khách thay đổi lựa chọn về điểm đến theo hướng chọn những quốc gia được miễn.

Theo ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), với việc du khách hiện nay thường có xu hướng lên kế hoạch du lịch từ sớm trước nhiều tháng thì quốc gia cần thông báo trước và có kế hoạch dài hạn về chính sách miễn thị thực. Đồng thời, thông tin về visa cần được cung cấp một cách chính thống, minh bạch, nhất quán.

Quả thực, trước khi đặt chân đến một đất nước, du khách có rất nhiều mối lo ngại. Giải quyết được những câu hỏi của họ, thay đổi những định kiến sai lầm chính là bài toán của công tác truyền bá, xúc tiến du lịch, khiến người nước ngoài không chỉ biết đến Việt Nam, còn cảm thấy yêu quý Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương: “Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp; sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư và người dân… đã tạo thành đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và mỗi địa phương, thúc đẩy Du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tiệm cận với tiêu chuẩn và thực hành quốc tế”.

Ông Ngô Minh Đức - Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB): “Chính phủ nên nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020, sớm huy động được khoảng chục triệu USD từ các doanh nghiệp mỗi năm”.

Ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “Tỉnh cởi mở với những chiến lược quảng bá hiệu quả mới như tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mời các hãng truyền thông trong nước và quốc tế đến ghi hình, mời người nổi tiếng đến trải nghiệm các tour du lịch, mời các hãng phim đến quay.

Nhiều bộ phim, dự án của thế giới như Peterpan, Người bất tử, Mission Impossible đã và sẽ được quay tại Quảng Bình. Sắp tới, DJ Alan Walker sẽ tới quay MV ở Quảng Bình”.

Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: “Cần có chính sách đồng bộ nếu muốn gỡ nút thắt hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc hơn, ảnh hưởng không chỉ ngành Hàng không mà cả du lịch”.

Ông Gareth Warth - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam: “Để xây dựng một dự án dài hạn phát triển du lịch, trước hết cần phải xác định những hướng đi đúng đắn, trước tiên là hướng đến tính bền vững của du lịch.

Ví dụ, Chính phủ Anh đã xây dựng các kế hoạch về nhựa toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành Du lịch cần đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Tôi đã thấy nhiều sáng kiến ở Hạ Long về vấn đề giảm rác thải nhựa. Đó là việc làm cần thúc đẩy từ Trung ương”.

Ông Lương Hoài Nam - Chuyên gia hàng không: “Hạ tầng quá tải là đương nhiên vì Việt Nam có 22 sân bay, nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)... Một cách để giải quyết ách tắc hàng không là cho khai thác hỗn hợp quân sự - dân sự ở một số sân bay như Biên Hoà, Phan Rang”.

Ông Chu Việt Cường - Thành viên HĐQT Vietjet: “Chúng ta không nên chỉ chăm chăm chờ vốn nhà nước trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp giải bài toán đầu tư này”.


Tác giả:
Trang Đỗ (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: yêu mến , du khách , Việt Nam , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP