Số hóa

Mạng 5G nhanh hơn 4G ba lần, nhưng không phải ở đâu cũng thế

Các nhà mạng đang tích cực quảng cáo rằng 5G là một bước nhảy vọt so với 4G (LTE), nhưng liệu điều này có đúng trong thực tế hay không?

Mạng 5G nhanh hơn đáng kể so với mạng 4G - Ảnh: AFP

Theo báo cáo mới nhất từ Opensignal, 5G thực sự nhanh hơn 4G rất nhiều, nhưng điều đó chủ yếu mới diễn ra ở Mỹ.

Theo công ty cung cấp công cụ quốc tế giúp thống kê và so sánh chất lượng Internet của các nhà mạng di động này, tốc độ tải xuống (download) cao nhất trên 5G tại Mỹ lên tới 1,8 Gbps so với tốc độ 678Mbps của mạng 4G, tức là gấp 2,7 lần. Sở dĩ 5G đạt được tốc độ này là nhờ sử dụng các tần số có bước sóng trong khoảng milimet (millimeter wave spectrum, gọi tắt là mmWave) với tần số cực cao (từ 30GHz trở lên), cho phép tăng tốc băng thông ở mức tối đa. Tuy nhiên, ở các quốc giá khác thì 5G không phải chỉ toàn màu hồng như ở Mỹ.

Xếp sau Mỹ, mạng 5G ở hai quốc gia Thụy Sỹ và Hàn Quốc có tốc độ tải vào khoảng 1,1 Gbps. Hầu hết các thị trường này không có quyền truy cập tần số mmWave, thay vào đó các mạng 5G ở đây phát trên tần số trung gian “mid-band” (tầm 3,4GHz đến 3,8GHz) để phủ sóng. Nên kết quả là trong một số trường hợp, 5G quá mới hoặc bị giới hạn kênh phát (tần số) dẫn tới sự khác biệt gần như không đáng kể, chẳng hạn như ở Tây Ban Nha hoặc ở Anh. Thậm chí, mạng 5G ở Úc còn chậm hơn cả 4G, chỉ đạt mức 792 Mbps so với mức 950 Mbps của 4G.

Bảng so sánh tốc độ download của mạng 5G so với 4G ở một số quốc gia tiêu biểu - Ảnh: OpenSignal

Chất lượng phủ sóng là điều tạo ra sự khác biệt

Theo Engadget, có vẻ như các nhà mạng ở Mỹ chưa muốn vội vã khoe mẽ về lợi thế của họ là vì một lý do tế nhị, bởi hiện mạng 5G đang gặp vấn đề về vùng phủ sóng. Cụ thể, theo thực nghiệm, các sóng 5G sử dụng tần số mmWave mới thường có vùng phủ sóng hạn chế, nhanh chóng suy yếu khi bạn di chuyển điện thoại vào trong nhà hoặc dưới các khu vực có vật cản. Về lý thuyết, dải giữa 5G (mà một số nước như Hàn Quốc hay Thụy Sỹ đang dùng) có thể chậm hơn 5G tiêu chuẩn, nhưng nhờ sử dụng tần số dải giữa nên nó có thể giữ kết nối 5G tốt hơn ở vùng phủ sóng.

Tất nhiên, phần lớn băng tần 5G hiện vẫn đang bị bỏ trống, nên khi các nhà mạng đều đồng loạt nhảy vào khai thác có thể lúc đó câu chuyện sẽ có nhiều khác biệt. Dù vậy, thông tin của Opensignal đưa ra vẫn là một tín hiệu lạc quan về tiềm năng của nền tảng mới và ít nhất nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm vì sao hiện nay mới chỉ một số người mới cảm nhận được 5G thực sự là bước nhảy vọt.

Tác giả: Hữu Thắng

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: 5G , 4G

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP