Cuộc sống

Mẹ của cầu thủ Mạnh “gắt”: “Đàn ông là phải yêu đương, có bạn gái là có thêm động lực phấn đấu"

Cô Lê Thị Lan, mẹ của Duy Mạnh đã bật cười hạnh phúc khi nói về ngày Tết “không thể ra khỏi nhà” của gia đình. Ngày đầu xuân, cô cũng chia sẻ quan điểm thú vị, cởi mở về chuyện yêu đương của con.

Tết nhà đông người 24/24

Duy Mạnh, chàng trai được đồng đội đánh giá "hiền như bụt", rất chăm chỉ và nhẫn nại. Nhưng khi vào sân cỏ, Mạnh “lột xác” như một chiến binh, sẵn sàng lăn xả với đối thủ. Có lẽ, vì thế, chàng trai này được cư dân mạng phong cho các biệt danh như Mạnh "gắt", "gấu", "đanh đá".

Tất cả xuất phát từ việc, cầu thủ quê Đông Anh khát khao chiến thắng, không cam chịu thất bại, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.

Trận đấu khép lại, Mạnh “gắt” lại ấm áp, sống tình cảm, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái. Ảnh: Việt Hùng

“Ngày nào thằng bé cũng gọi điện hỏi thăm bố mẹ vài lần. Mạnh bảo chúng tôi bây giờ con đi xa suốt, anh chị cũng đi xa, nên bố mẹ phải lo giữ sức khỏe.

Nếu ra nước ngoài, ngay đi tập, tối con lại nói chuyện zalo với bố mẹ. Mỗi khi về nhà, con rất thích nằm trong vòng tay của tôi như ngày còn thơ ấu. Trong mắt tôi, Mạnh vẫn luôn là thằng ỉn con”, cô Lê Thị Lan, mẹ của cầu thủ Duy Mạnh xúc động chia sẻ.

Cô Lan cho hay, từ giải U23 Châu Á, Mạnh mới về nhà được ba lần. Mỗi lần về được nửa tiếng lại đi. Tết năm ngoái, 29 Tết Mạnh mới về nhà, mùng 3 lại đi.

Mới đây sau vô địch giải AFF Cup, Mạnh được ở nhà hai hôm. Xa con nên tháng nào cô Lan cũng ra Hà Nội thăm con, trận nào con đá cô cũng bỏ lại công việc để ra sân cổ vũ con.

Dù bận rộn nhưng vợ chồng cô Lan vẫn cổ vũ con không thiếu một trận nào. Ảnh: Việt Hùng

Sau mùa giải, dù con được về hay không thì cô cũng làm vài mâm cơm mời anh em, họ hàng để cả gia đình sum họp.

“Từ hôm vô địch AFF Cup, ngày nào cũng có tốp học sinh đến thăm. Có em đi xe đạp từ 5h sáng, nhưng Mạnh không có nhà nên đành xin chữ ký của…mẹ cầu thủ rồi lại đi về.

Có hôm cô chú đi bán hàng, các em bèn gọi nhờ hàng xóm cuộc điện thoại réo rắt: “Chúng con đang đứng đầy cổng”. Đông khách nhất là những ngày Tết Nguyên đán, khách chật kín, nhà 24/24 lúc nào cũng có người đến hỏi han, xin chữ ký”, cô Lan lí lắc kể lại.

“Con không cần gà qué, chỉ thích được gần bố mẹ để kể chuyện”

Duy Mạnh trưởng thành từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu Thể dục thể thao - Sở Văn hóa thể thao Hà Nội.

Vì niềm đam mê mãnh liệt cùng năng khiếu, từ một cầu thủ nhí của huyện Đông Anh, Duy Mạnh đã được chọn lên lớp bóng đá năng khiếu của TP. Hà Nội lúc mới 9 tuổi.

Đưa con sang Hà Nội, nhìn hai mấy cái giường trong phòng, mỗi đứa nằm một giường, cô Lan rớt nước mắt. “Một đêm mẹ đắp chăn cho mấy lần vì con ngủ, đạp chăn ra lúc nào không biết. Giờ con đi như thế này, bố mẹ thương thắt lòng”. Nghe cô nói thế, Mạnh trấn an: “Con ra ngoài học hỏi, ở nhà biết bao giờ con khôn”.

Cô Lan hạnh phúc vì con trưởng thành, tự lập từ sớm. Ảnh: Việt Hùng.

Ở nhà bố mẹ lo từ a-z, vậy mà khi ra ngoài, Mạnh được làm đội trưởng. Cứ 5h sáng, Mạnh dậy gọi các em, thể dục một vòng rồi ăn sáng, đi học, chiều tập luyện, 9h tối tắt điện thoại, ti vi và đi ngủ.

Dù nhiều lần khóc vì thương, nhớ con nhưng thấy con trưởng thành mỗi ngày, cô Lan mừng lòng.

“Nhà nuôi được mấy chục con gà. Mỗi lần Mạnh về, tôi thường hỏi cháu thích ăn gì mẹ nấu? Nhưng Mạnh bảo chỉ thích mẹ luộc mớ rau, quả dưa cà, không cần gà qué làm gì. Con về không thích gì, chỉ thích được gần bố mẹ để kể chuyện”, cô Lan chia sẻ.

“Có bạn gái là có thêm động lực”

Chưa bao giờ cô Lan quên hình ảnh con trai 4 tuổi đi ngủ vẫn ôm quả bóng, 6 tuổi anh đi đá bóng, em chạy theo đòi tâng bóng, 7 tuổi ra sân, 9 tuổi một mình ghi 8 bàn giải đấu thôn xã và lọt vào “mắt xanh” của các thầy.

Thấy con ham mê, nên vợ chồng cô cũng suy nghĩ rất thoáng rằng: “Đã là cầu thủ thì phải được ra sân thi đấu. Ít thời gian, xa bố mẹ là chuyện đương nhiên”.

Sâu thẳm trong tâm tư, của người mẹ tần tảo chỉ có nguyện ước Mạnh luôn được khỏe mạnh. Ra sân bay tiễn con, cô chỉ biết chúc các con hết sức thận trọng, chân cứng đá mềm. Mỗi lần con chấn thương trong sân là ở nhà mẹ rơi nước mắt.

Con biết tự lập, tự chủ trên con đường mình đã chọn, biết nhìn gương đàn anh để không đi và vết xe đổ đã là niềm hạnh phúc lớn.

“Chuyện yêu đương của con, tôi quan niệm đàn ông là phải yêu đương. Có bạn gái là có thêm động lực phấn đấu. Cảnh nhà quê không mơ ước cao sang, chỉ mong con sáng suốt lựa chọn người con gái gia giáo, có ăn có học, hiểu và thông cảm với công việc của hay phải xa nhà của chồng”, cô Lan bộc bạch.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP