Thế giới

NATO đối phó hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Nga

Mỹ và các nước đồng minh NATO nỗ lực tăng cường lực lượng để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của hạm đội tàu ngầm Nga tại các vùng biển trọng yếu.

Lực lượng quân sự Anh, Đức tham gia tập trận Trident Juncture 2018 tại Na Uy ngày 25/10. (Ảnh: Reuters)

Tại một góc xa xôi của sân bay quốc tế chính ở Iceland, một bối cảnh như thời Chiến tranh Lạnh đang lặp lại, đó là cuộc chiến săn tàu ngầm Nga của NATO.

“Họ để cho chúng tôi biết rằng họ đang hiện diện ngoài đó”, CNN dẫn lời Đô đốc James G. Foggo III, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu, nhận định về sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở các vùng biển Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.

“Họ đang hoạt động với số lượng lớn hơn nhiều và ở những nơi mà họ chưa từng hoạt động trước đó”, Đô đốc Foggo cho biết.

Trước bối cảnh như vậy, NATO cũng có cách để gửi thông điệp đáp trả Nga. Ngày 25/10, NATO đã bắt đầu cuộc tập trận Trident Juncture. Cuộc tập trận được tiến hành để kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của các lực lượng đồng minh NATO, mô phỏng kịch bản quân đội NATO bảo vệ một quốc gia thành viên bị xâm lược và trong trường hợp này là Na Uy.

Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập niên, với sự tham gia của 50.000 binh sĩ, 10.000 phương tiện quân sự, 250 máy bay và 65 tàu. Đặc biệt một tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở Bắc Cực lần đầu tiên tham gia tập trận trong gần 30 năm.

Theo Đô đốc Foggo, người phụ trách giám sát tập trận, Trident Juncture không phải là mối đe dọa với Nga. Trong quá trình diễn ra tập trận, quân đội Nga và NATO ở cách nhau hơn 700km. Ngoài ra, NATO cũng mời các quan sát viên Nga và Belarus theo dõi tập trận.

”Tôi muốn họ (Nga) có mặt ở đó vì cuộc tập trận sẽ cho thấy sức mạnh của liên minh (NATO)”, ông Foggo cho biết.

Cuộc tập trận Trident Juncture sẽ bao gồm các hoạt động trên bộ, trên không và trên biển, bao gồm cả tác chiến chống tàu ngầm.

Cuộc đua tàu ngầm

Trực thăng bay huấn luyện tại căn cứ Keflavik của Mỹ ở Iceland. (Ảnh: Sputnik)

Đô đốc Foggo ước tính Nga có hơn 40 tàu ngầm tác chiến, trong đó có hơn 20 chiếc tập trung ở Hạm đội Phương Bắc với khả năng hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Để theo dõi tàu ngầm Nga, các máy bay của NATO cất cánh với tần suất 2 ngày một lần ở bên ngoài căn cứ của Mỹ tại sân bay quốc tế Keflavik, Iceland.

Được thành lập từ năm 1951, căn cứ hải không quân Mỹ tại Iceland đã dừng hoạt động từ năm 2006 khi NATO chuyển trọng tâm từ nam châu Âu sang Địa Trung Hải. Tuy nhiên, mối đe dọa từ một nước Nga trỗi dậy cũng như hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Moscow khiến các chỉ huy quân sự Mỹ lo ngại. Theo đó, quân đội Mỹ được đưa trở lại Iceland, quốc đảo nằm giữa Greenland và Anh.

Để có thể di chuyển từ căn cứ ở Bắc Cực tới Đại Tây Dương, các tàu ngầm Nga cần đi qua Iceland. Đô đốc Foggo thừa nhận các tàu ngầm Nga khiến các nhà lãnh đạo NATO rất “đau đầu”.

“Nga tiếp tục đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các tàu ngầm uy lực. Họ đã trở thành đối thủ đáng gờm nhất của chúng tôi”, Đô đốc Mỹ nhận định.

Theo Đô đốc Vladimir Komoyedov, cựu tư lệnh Hạm độ Biển Đen của Nga, Moscow vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể “ngang hàng” với hạm đội tàu ngầm của các đồng minh NATO.

“Tôi tin rằng hạm đội (tàu ngầm) hiện thời của chúng ta có chất lượng khá cao, tuy nhiên số lượng vẫn chưa đủ”, Đô đốc Komoyedov nói.

Thế hệ tàu ngầm mới

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Borei. (Ảnh: Sputnik)

Theo đánh giá của Đô đốc Foggo, thế hệ tàu ngầm mới của Nga có uy lực mạnh và nguy hiểm. Một trong số các tàu ngầm mới nhất của Nga thuộc lớp Borei, chúng được đánh giá là gần như không phát ra tiếng ồn, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể phóng tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm lớp Borei là trụ cột quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân dưới biển của Nga, tương tự các tàu ngầm tên lửa đạn đạn lớp Ohio của Mỹ.

“Đây chắc chắn là tương lai của lực lượng hạt nhân chiến lược hải quân của chúng ta”, Đô đốc Vladimir Korolev, tư lệnh lực lượng hải quân Nga, tuyên bố trong lễ “rửa tội” một tàu ngầm lớp Borei mới.

Nga hiện có 4 tàu ngầm lớp Borei đang hoạt động và 4 chiếc khác dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020. Ngoài đóng tàu ngầm mới, Nga cũng hiện đại hóa các tàu ngầm cũ của nước này, như các tàu lớp Kilo sử dụng điện diesel. Các tàu cũ này hiện có thể hoạt động dưới nước lâu hơn, có khả năng mang 4 tên lửa hành trình và từng khai hỏa thành công để tiêu diệt các mục tiêu khủng bố tại Syria.

“Các tàu ngầm mang tên lửa hành trình Kalibr, một vũ khí rất lợi hại. Từ bất kỳ nơi nào Nga hoạt động, các tàu ngầm Nga cũng có thể nhắm mục tiêu tới bất kỳ thủ đô nào tại châu Âu”, Đô đốc Foggo nói.

Ván cờ trên đại dương

Máy bay P-8A Poseidon của quân đội Mỹ (Ảnh: US Navy)

Mỹ đã chi 34 triệu USD để nâng cấp căn cứ ở Keflavik nhằm cho phép hải quân nước này triển khai các máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon thường xuyên hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi các máy bay P-8 hai động cơ của Mỹ thường xuyên do thám Bắc Đại Tây Dương, việc phát hiện các tàu ngầm Nga cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng.

“Đại dương rất rộng lớn. Đây là một ván cờ giữa chỉ huy tàu ngầm và tất cả các khí tài được huy động để tìm ra tàu ngầm đó. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động từ nhiều đơn vị khác nhau. Chúng ta phải phối hợp với các tàu, các máy bay và cả với các quốc gia khác để có thể kiểm soát toàn bộ vấn đề”, Thiếu tá Rick Dorsey, điều phối viên chiến thuật thuộc một trong số đơn vị máy bay P-8 Mỹ đang hoạt động quanh Iceland, cho biết.

Đô đốc Foggo cũng hối thúc hoạt động hợp tác theo nhóm, ca ngợi việc Anh và Na Uy tự trang bị các máy bay P-8 và kêu gọi các nước thành viên NATO tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển nhằm đạt được thế cạnh tranh với Nga trong khu vực.

“Chúng ta phải tiếp tục thách thức Nga bất kể nơi nào họ hiện diện. Chúng ta không thể tiếp tục hiển nhiên coi rằng mình có thể tự do di chuyển ở tất cả các đại dương (như trước đây)”, Đô đốc Foggo nhấn mạnh.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP