Thế giới

Nga sẵn sàng giúp Việt Nam sản xuất vắc xin Covid-19, Campuchia có ca mắc biến thể mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này không chỉ phát triển được vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả mà còn sẵn sàng trợ giúp các nước đối tác sản xuất chế phẩm này.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 4/6, Tổng thống Putin nhấn mạnh, vắc xin Sputnik-V đạt hiệu quả tới hơn 91% và chưa gây ra bất kỳ ca tử vong nào trong quá trình tiêm chủng.

Vắc xin Sputnik-V đã được cấp phép lưu hành ở 66 quốc gia trên thế giới. Ảnh: AP

Ông Putin khẳng định, cho đến nay, ngoại trừ Nga chưa có nước nào trợ giúp các quốc gia khác triển khai sản xuất vắc xin. Trước đó, chiều 3/6, Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho hay, Moscow sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất Sputnik-V tại Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, ông Putin tiết lộ đã chỉ đạo cho các quan chức dưới quyền chuẩn bị các kế hoạch cho phép khách ngoại quốc tới nước này để tiêm vắc xin.

"Không có quốc gia nào an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Hiện mới có khoảng 10% dân số toàn cầu được chủng ngừa đầy đủ hoặc tiêm liều vắc xin thứ nhất, trong khi hàng trăm triệu người khác chưa có cơ hội tiếp cận tiêm chủng do đất nước họ không có công nghệ, năng lực sản xuất hoặc ngân sách để mua vắc xin", ông nói.

"Tôi đang yêu cầu chính phủ xem xét mọi khía cạnh của vấn đề này cho tới cuối tháng 6, để sau khi tính đến các yêu cầu an toàn và tất nhiên cả những điều kiện sức khỏe cộng đồng, chúng ta sẽ tổ chức một cách để các công dân nước ngoài trả tiền tiêm chủng tại Nga. Chúng ta không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của mình mà còn có thể chủng ngừa cho các du khách quốc tế đến Nga để tiêm vắc xin", ông Putin cho biết thêm.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, đơn vị tài trợ cho vắc xin Sputnik V xác nhận, các bộ chủ chốt đang họp bàn để mở các tour du lịch đến Nga tiêm vắc xin dành cho những khách ngoại quốc có nhu cầu. Theo ông Dmitriev, nhiều người ở châu Âu và những nước khác tỏ ra quan tấm đến dịch vụ này. Nhà chức trách tin sáng kiến có thể được hiện thực hóa từ tháng 7.

Campuchia phát hiện ca mắc biến thể mới từ Ấn Độ

Nhà chức trách y tế Campuchia vừa phát hiện các ca nhiễm biến thể virus mới, được tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ và lây lan nhanh hơn các biến thể khác.

Trong thông cáo phát đi tối 4/6, Bộ Y tế Campuchia cho hay, các ca mắc biến thể B.1.617.2 (Delta) gồm một trường hợp tại tỉnh Bantey Meanchey và 2 trường hợp tại tỉnh Battambang. Tất cả những bệnh nhân này đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương.

Bộ Y tế Campuchia yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo về đảm bảo an toàn, cách ly bệnh nhân Covid-19 và đẩy mạnh truy vết tiếp xúc. Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp “3 Bảo vệ - 3 Không” theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, cũng như những biện pháp khác nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus.

Số ca mắc theo ngày tại Campuchia có xu hướng tăng lên trong tuần qua. Theo đài CNA, chỉ trong vòng 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 886 ca nhiễm và 6 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 33.075 người, trong đó 242 bệnh nhân không qua khỏi.

WHO cảnh báo thiếu vắc xin cho COVAX

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, Chương trình tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX) đang thiếu nguồn cung trong tháng 6 và tháng 7, đe dọa làm giảm hiệu quả của việc triển khai chương trình.

Theo lãnh đạo COVAX Bruce Aylward, chương trình còn thiếu khoảng 200 triệu liều vắc xin so với mục tiêu đặt ra, dù các nước giàu đã cam kết tài trợ 150 triệu liều.

COVAX đặt mục tiêu cung cấp lượng vắc xin đủ chủng ngừa cho 30% dân số ở 92 quốc gia và vùng lãnh thổ nghèo nhất thế giới. Song, sáng kiến do WHO đứng đầu này đang gặp trở ngại vì tình trạng phân phối vắc xin bất công bằng và việc các nhà sản xuất chậm trễ giao hàng.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 5/6 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 173,3 triệu người, hơn 3,7 triệu ca tử vong. Song, hơn 156 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với xấp xỉ 34,2 triệu ca mắc và 612.185 bệnh nhân không qua khỏi.

- Pháp ngày 4/6 đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới với bản đồ được đánh dấu theo màu. Cụ thể, nước này sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9/6. Song, những du khách đến từ Anh và Mỹ, các nước được đánh dấu là "màu da cam", dù đã được tiêm chủng khi nhập cảnh vẫn cần phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus.

- Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định nước này sẽ ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Ông khẳng định đang hợp tác với các quan chức quốc tế nhằm đảm bảo người dân có thể được tiêm phòng trên khắp thế giới, đặc biệt là với vắc xin do AstraZeneca hợp tác cùng Đại học Oxford sản xuất.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamnet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP