Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước dự thảo quy định cho phép phong tỏa tài khoản nếu khách chuyển nhầm tiền

Theo dự thảo, việc ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản người nhận sẽ giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.

Mới đây, ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP.

Cụ thể, ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm một số quy định tại Nghị định 101 về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác..., thông tin trên báo Người Đưa Tin.

Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán nhận phải đảm bảo không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Khách hàng chuyển tiền nhầm có thể lấy lại được tiền khi ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận. Ảnh minh họa

Ngoài quy định này, tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung, hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản với nhau.

Tài khoản sẽ được chấm dứt phong tỏa khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật hoặc khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản chung.

Trong trường hợp việc phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trước những thông tin này, chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, chị Thu Hiền, nhân viên văn phòng, cho biết: Cách đây vài năm, tài khoản thẻ tại một ngân hàng của chị bất ngờ nhận được khoản tiền "từ trên trời" rơi xuống 1 triệu đồng, do nhân viên ngân hàng gõ nhầm số tài khoản người nhận nào đó sang số tài khoản của tôi.

Điều đáng nói là thẻ ATM này của chị đã bị mất từ rất lâu và cũng không còn số dư trong tài khoản nên cũng không ra ngân hàng báo hủy. Chỉ vì để chuyển lại số tiền 1 triệu đồng đó mà chị phải gác lại việc cá nhân, dành cả buổi sáng để xử lý sự việc mà lỗi không phải gây ra từ bản thân mình.

"Việc cơ quan chủ quản đưa ra những quy định nhằm bảo vệ người gửi tiền trong những trường hợp chuyển nhầm là điều cần thiết. Nhưng cũng nên có quy định về chính sách ưu tiên với những trường hợp khách hàng chủ động, thiện chí trả tiền lại cho ngân hàng, cho người chuyển tiền thì mới công bằng cho các bên liên quan", chị Hiền nêu quan điểm.

Tác giả: Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP