Tin trong tỉnh

Ngành du lịch Nghệ An: Khan hiếm nhân lực

Nghệ An có trên 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, nhưng chất lượng nhân lực vẫn bị đánh giá là yếu và thiếu.

Đào tạo lao động mới tuyển dụng trong ngành phục vụ, bồi bàn ở các khách sạn

Cung không đáp ứng cầu

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn Giao Tế - chia sẻ: Công ty tuyển dụng nhân sự quanh năm, dù đã đăng thông báo trên báo, đài địa phương, tham gia các sàn giao dịch việc làm của tỉnh, nhưng vẫn khó khăn do khan hiếm lao động. Ngay tại thời điểm này, công ty cũng đang tuyển dụng 30 lao động cho các vị trí như bồi bàn, lễ tân và kỹ thuật bếp nhưng chỉ có 5 lao động đến nộp hồ sơ và hầu hết là trái ngành, chưa qua đào tạo.

Đánh giá về năng lực của lao động ngành khách sạn, du lịch hiện nay, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết: Nghề du lịch, khách sạn là ngành công nghiệp mang tính tổng thể, liên kết ngành, nghề và đòi hỏi phải có các kỹ năng mềm, sự kiên trì, chịu khó. Tuy nhiên, lao động trẻ thiếu những tố chất cơ bản này. Thường sau khi được tuyển dụng, thay vì nỗ lực để hoàn thành công việc, họ chỉ chú trọng vào lương bao nhiêu và sẵn sàng “nhảy việc” khi có nơi trả lương cao hơn. Việc đào tạo lao động cho ngành khách sạn, du lịch cũng có nhiều bất cập, không sát với thực tế; kỹ năng hành nghề kém; trình độ ngoại ngữ không đáp ứng. Sau khi tuyển dụng, các đơn vị thường phải đào tạo lại (kể cả lao động đã có bằng cấp) theo đúng yêu cầu, gây khó khăn về thời gian và kinh phí.

Sự khập khiễng và thiếu kiến thức thực tế là điều mà sinh viên Nguyễn Tú Oanh (sinh viên năm cuối, ngành Du lịch, Trường Đại học Vinh) cảm nhận được. Tú Oanh cho biết: Học hết năm thứ 3, em được nhà trường cho đi thực tế hai đợt ở miền Bắc và miền Trung. Nhưng hai chuyến đi này, sinh viên chủ yếu “cưỡi ngựa xem hoa”, trải nghiệm với vị trí của khách du lịch; kinh nghiệm tổ chức tour du lịch, cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu của du khách… hầu như chưa được đề cập đến.

Chất lượng đào tạo chưa đạt chuẩn

Tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, dù là đơn vị đầu tiên đào tạo ngành hướng dẫn viên du lịch nhưng hiện tại, mỗi mùa tuyển sinh, chỉ tiêu cho một số ngành như lữ hành, khách sạn và nhà hàng chỉ đạt khoảng 60%. Ông Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Ngành du lịch khá phát triển nhưng do nhiều nguyên nhân, học sinh tốt nghiệp THPT chưa hào hứng lựa chọn. Về phía nhà trường, dù xem đây là ngành trọng điểm, nhưng vẫn còn một số khó khăn khi điều kiện thực hành chưa có nhiều và hầu hết đang liên kết với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

Khó khăn nhất của ngành du lịch Nghệ An hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ, tiêu chuẩn đầu ra của các trường đào tạo đều nằm dưới chuẩn. Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó giám đốc Sở Du lịch Nghệ An - thừa nhận, lao động ngành du lịch còn thiếu và yếu về nghiệp vụ lẫn kỹ năng, thái độ phục vụ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh du lịch trên địa bàn, nhất là cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3 - 5 sao; hướng dẫn viên quốc tế, cán bộ quản lý, điều hành khách sạn, nhà hàng... còn hạn chế. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của các trường hiện nay chưa sát với yêu cầu thị trường, việc đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực hành.

Đầu vào của các trường đào tạo nghề gặp khó khăn chung là những học sinh giỏi ngoại ngữ đều chọn thi vào các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học quay về trường học nghề để dễ tìm việc làm, vì không ít trường bảo đảm hơn 90% học viên ra trường đều được tuyển dụng.

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP