Pháp luật

Nghệ An: 2 cá thể Voọc xám quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát bị bắn chết

Cuối tuần vừa qua, Kiểm lâm và nhóm bảo vệ rừng chuyên trách của Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát đã bắt được nhóm 5 đối tượng sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật hoang dã trái phép trong địa phận Vườn quốc gia Pù Mát.

2 trong 5 đối tượng tham gia vào vụ săn bắn chết 2 cá thể Voọc xám quý hiếm ở vườn quốc gia Pù Mát.

Trưa 15/1, ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho PV Dân trí biết, lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng và tịch thu được 5 khẩu súng tự chế, 2 xác cá thể Voọc xám (Trachypithecus phayrei), 1 cá thể lợn rừng còn sống, chân và xương của 1 cá thể lợn rừng sấy khô và dây bẫy các loại.

“Ngày 13/1/2019, 5 đối tượng đã bị chuyển về trụ sở VQG Pù Mát để giao cho Công an huyện Con Cuông xử lý. Qua quá trình khai thác thông tin thì nhóm 5 thợ săn này là người dân của bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương.

2 cá thể Voọc xám là loài động vật hoang dã thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Cường nói.

Ông Trần Xuân Cường cho biết thêm, theo điều 244 của Bộ luật hình sự thì hành vi săn bắt trái phép 2 cá thể Voọc xám có khung hình phạt từ 1-5 năm tù giam hoặc/và phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng.

Được biết, trước đó 2 tuần, lực lượng Kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát và cán bộ bảo vệ rừng đã bắt giữ 7 đối tượng sinh sống ở bản Khe Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông với 9 khẩu súng tự chế, tang vật thu được gồm khỉ, sóc bay và chuột sấy khô. Các đối tượng này đã bị phạt hành chính với tổng số tiền 36 triệu đồng.

Để tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi suy nghĩ của người dân và chính quyền địa phương về bảo tồn động vật hoang dã, từ tháng 9/2018 đến nay VQG Pù Mát và SVW đã tiến hành phối hợp với UBND huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương tổ chức 3 hội thảo "Tăng cường hợp tác liên ngành về bảo vệ động vật hoang dã tại VQG Pù Mát".

Các hội thảo đã có sự tham gia của 206 lãnh đạo, đại diện cho huyện ủy, ủy ban nhân dân 3 huyện, các cơ quan kiểm lâm huyện, công an huyện, viện kiểm sát nhân dân và tòa án các huyện, các đồn biên phòng giáp ranh Vườn quốc gia Pù Mát,…

Ngoài ra, Vườn cũng đã phối hợp với UBND các xã vùng đệm tổ chức 9 hội thảo về các giải pháp phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn 3 huyện. Các hội thảo cấp xã đã có sự tham gia của 1.155 người, trong đó có cả những từng tham gia hoạt động săn bắt.

Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, với tổng diện tích rừng đặc dụng là 94.715,4 ha và tổng diện tích vùng đệm 86.000 ha.

Điều đặc biệt, đúng ngày VQG Pù Mát và Trung tâm tiến hành hội thảo tuyên tuyền pháp luật bảo vệ động vật hoang dã và thảo luận giải pháp bảo tồn trên địa bàn của xã Tam Quang, huyện Tương Dương, thì cả 5 đối tượng săn bắt trên đều đã không đến tham dự mà đi vào rừng để săn bắn động vật.

VQG Pù Mát đã truyền đi thông điệp rằng tất cả các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng, săn bắn động vật hoang dã trong địa phận VQG Pù Mát sẽ bị cấm tuyệt đối. Cán bộ Kiểm lâm và nhóm bảo vệ rừng chuyên trách (anti-poaching) sẽ tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi vi phạm.

Vườn Quốc gia Pù Mát được chuyển hạng từ Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng chính phủ. Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, với tổng diện tích rừng đặc dụng là 94.715,4 ha và tổng diện tích vùng đệm là 86.000 ha. Vườn quốc gia Pù Mát có có tầm quan trọng đa dạng sinh học và là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn.

Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Tên tiếng anh: Save Vietnam’s Wildlife, viết tắt là SVW) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam. Trung tâm phối kết hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương và Vườn quốc gia Pù Mát để tiến hành các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã từ buôn bán trái phép và tái thả chúng về môi trường sống phù hợp.

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP