Tin trong tỉnh

Nghệ An báo động tình trạng chó thả rông cắn người tử vong tăng cao

Nghệ An là tỉnh có người tử vong do bệnh dại cao. Tuy nhiên phần đông mọi người còn khá chủ quan trước sự việc này dù các cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo.

Những sự việc đau lòng

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An, từ năm 2008 đến 2018, trên địa bàn đã có trên 62 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Điển hình trong tháng 10-11/2018, huyện Quỳ Châu có 2 người tử vong vì bệnh dại. Đó là bà V.T.X (60 tuổi) trú ở xã Châu Nga, tử vong ngày 7/11/2018; và ông L.V.T (62 tuổi), trú ở xã Châu Thắng, tử vong ngày 22/10/2018.

Cả 2 nạn nhân phơi nhiễm do bị chó ốm bệnh cắn. Hai con chó đều chưa được tiêm phòng, tuy nhiên do suy nghĩ chủ quan nên khi phát hiện thì các nạn nhân quá muộn để cứu chữa.

Cá biệt, huyện Nghi Lộc có tới 4 người tử vong do bệnh dại trong năm 2018. Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng.

Anh T.T.T. (bố nạn nhân T.N.N) trú xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tử vong ngày 14/9/2018 cho hay: “Cháu nó học lớp 2. Gia đình không biết cháu bị chó cắn từ bao giờ. Người phát hiện triệu chứng bệnh của cháu là cô giáo ở lớp...”.

Cháu T.T.H.Y bị chó đẻ của gia đình cắn.

Vào ngày 5/10/2018, cháu T.T.H.Y (31 tháng tuổi), trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An được đưa đến bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An trong tình trạng vùng mặt cháu bị nhiều vết thương hở, chảy máu nhiều.

Ông Trần Văn Đình, ông nội của cháu bé cho biết, trường hợp cháu ông bị chó cắn là do chó nhà có ổ đẻ, nhưng người nhà lại để ổ chó ngay cửa ra vào sau bếp. Do người lớn bất cẩn, để cháu nhỏ đi lại, vấp ngã vào ổ chó, nên bị chó cắn.

Theo các bác sĩ kiểm tra, tổn thương của cháu H.Y là rất nghiêm trọng. Vết thương vùng quanh mắt trái sâu, mất hết tổ chức. Vết thương trán sâu sát xương. Nhiều vết thương khác ở đầu và mi mắt phải...

Bác sĩ Nguyễn Quang Hà, Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Dẫu rất cố gắng nhưng vẫn không thể tránh cho cháu được vết sẹo sau này. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã cho bé dùng thuốc kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, đồng thời tư vấn gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng dại và uốn ván”.

Chó thả rông trên đường Trần Hưng Đạo, TP Vinh.

Nguyên nhân do chó cắn nhưng không đi tiêm phòng

Theo thống kê Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, trong tổng đàn gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông.

Trong khi đó nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, không đi tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc nam - không có khả năng phòng, chữa bệnh dại.

Cả 4 trường hợp tử vong do bệnh dại ở huyện Nghi Lộc đều bị những con chó chưa được tiêm phòng dại cắn và cả 4 bệnh nhân sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại. Các trường hợp này sử dụng thuốc Nam để chữa trị mặc dù đã được nhân viên y tế tuyên truyền.

Tiêm phòng cho chó, mèo là cách thức hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Ảnh tư liệu.

Để ngăn chặn bệnh dại, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 708 về Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021.

Theo kế hoạch, đến năm 2021 tỉnh Nghệ An phải có 95% xã, phường, thị trấn thành lập được danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi; 85% cho nuôi được tiêm phòng và 70% số huyện không có bệnh dại trong hai năm liên tiếp.

Ngoài ra, phải giảm có nguy cơ cao về bệnh dại trên người và giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011-2015.

Đối với chủ nuôi chó phải đăng ký với cấp sở tại, việc nuôi nhốt chó phải xích hoặc đeo rọ mõm khi đến nơi công cộng. Người nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng. Chó sau khi tiêm phòng sẽ được cấp thẻ và dây đeo vòng cổ để phân biệt với chó chưa được tiêm phòng dại.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP