Tin trong tỉnh

Nghệ An: Cần làm rõ cơ sở pháp lý trong việc UBND xã Nghi Phong thu hồi đất của người dân

Theo đơn phản ánh của ông Hoàng Xuân Đông (xóm 15, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tạm trú tại tổ 6 Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), UBND xã Nghi Phong đã lấy đất hương hỏa của gia đình ông trái luật. Không những thế, cách giải quyết của các cấp chính quyền ở Nghệ An còn thiếu khách quan.

Đất hưởng hỏa gia đình ông Hoàng Xuân Đông bị xã Nghi Phong lấy năm 1994 nhưng mãi đến năm 2014 mới chia lô bán.

Nguồn gốc đất của gia đình ông Hoàng Xuân Đông

Ông Hoàng Xuân Đông có bố là Hoàng Xuân Năm (mất năm 1942), mẹ là bà Đặng Thị Sỹ. Ông Hoàng Xuân Đông là con trai duy nhất. Năm 1962, ông Đông đi bộ đội, vợ ông ở với mẹ chồng trên mảnh đất có diện tích khoảng 1.231m2, phía Bắc giáp vườn ông Ân Kim, phía Nam giáp vườn ông Hoàng Trọng Đông, phía Đông giáp vườn bà Mai Cầm, phía Tây giáp đường xóm 15. Theo bản đồ 299, đất gia đình ông Hoàng Xuân Đông thửa số 189, tờ bản đồ số 6, thuộc xóm 15 cũ, xã Nghi Phong.

Năm 1966, vợ ông bị máy bay Mỹ đánh bom chết, ông Đông đang chiến đấu ở chiến trường không thể về lo mai táng vợ. Từ khi vợ ông Đông chết, bà Đặng Thị Sỹ ở một mình trên mảnh đất này. Năm 1982, khi bị bão xô đổ nhà, không có điều kiện dựng lại, bà Đặng Thị Sỹ phải đi ở nhà cháu là bà Mai Cầm. Năm 1984, bà Sỹ mất. Sau khi bà Sỹ mất, ông Hoàng Xuân Đông nhờ bà Mai Cầm và chị gái bà Hoàng Thị Sinh lấy chồng ở xã Nghi Thái quản lý mảnh đất này. Hàng năm, bà Cầm và bà Sinh trồng hoa màu nhưng UBND xã Nghi Phong không cho làm với lý do: “Người xã khác không được đến đây sản xuất”.

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, ông Đông về quê không nơi nương tựa, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Do đó, ông Đông trở lại Tây Nguyên để nhờ đồng đội, những người dân những năm công tác quen biết cưu mang và chữa bệnh. Những lúc bệnh tật giảm, ông tranh thủ về quê thăm bà con, thăm đất. Ông có ý định khi sức khỏe tốt lên, tiết kiệm được ít tiền sẽ về quê sinh sống trên mảnh đất hương hỏa cha ông để lại, gia đình ông sống từ năm 1950, dựng nhà thờ để thờ ông bà tổ tiên. Chưa thực hiện được ý định thì đất hương hỏa của gia đình ông bị chính quyền lấy bất hợp pháp.

Khi ông làm gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết trả lại đất nhưng không được giải quyết.

Sai phạm của các cấp chính quyền

Trong Quyết định số 3292/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc ngày 14/12/2020 giải quyết đơn thư ông Hoàng Xuân Đông ghi: “Năm 1994 thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ xóm kê khai đất gia đình ông Đông vào danh sách để giao đất nông nghiệp cho các hộ”. Ông Đông không đồng tình với Quyết định này của UBND huyện Nghi Lộc. Ông cho rằng, UBND huyện Nghi Lộc bao che cho UBND xã Nghi Phong vi phạm pháp luật lấy đất của gia đình ông.

Theo ông Đông, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ có sau Luật Đất đai năm 1993, chính quyền quản lý đất theo Luật, cán bộ xóm không có quyền lấy gia đình ông chia cho người khác. Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và Quyết định số 2555/1993/QĐ-UB ngày 30/11/1993 của UBND tỉnh Nghệ An do Chủ tịch Phạm Xuân Tùy ký, đều thực hiện giao đất nông nghiệp lâu dài cho người dân, không đề cập đến việc thu hồi đất ở của dân. UBND xã Nghi Phong lợi dụng thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP “biến” đất hương hỏa gia đình ông Hoàng Xuân Đông ở lâu đời, thành đất nông nghiệp, để lấy là vi phạm pháp luật.

Theo thông tin ông Hoàng Xuân Đông cung cấp, sau khi mẹ ông mất, chị gái là Hoàng Thị Sinh, cháu bà Mai Cầm trồng rau màu, quản lý đất thì UBND xã tìm mọi cách ngăn cản, răn đe. Trong Kết luận số 3292/QĐ-CTUBND của UBND huyện Nghi Lộc: “Sau khi bà Đặng Thị Sỹ mất đất gia đình ông Đông để hoang hóa, không ai chăm nom” là không đúng. Đất gia đình ông Đông để hoang là do UBND xã Nghi Phong ngăn cấm.

Ông Đông tố cáo UBND xã Nghi Phong lấy đất của gia đình ông từ năm 1994 nhưng không đưa vào qũy đất của xã, đến năm 2014 mới chia lô chuyển nhượng. UBND xã Nghi Phong bán đất gia đình ông Hoàng Xuân Đông trong lúc đang còn tranh chấp là vi phạm luật. Theo điểm 3 Điều 30 Luật Đất đai năm 1993: “Không được chuyển quyền sử dụng đất đang có tranh chấp”.

Đất của gia đình ông Hoàng Xuân Đông hiện nay xã đã chuyển nhượng cho 7 gia đình. Các hộ gia đình này đều được huyện Nghi Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật. UBND huyện Nghi Lộc áp dụng khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai 2013: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng đất trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho rằng ông Hoàng Xuân Đông đòi lại đất là không có cơ sở pháp luật.

Ngày 11/8/2021, ông Đông nhận được Văn bản số 463/TB-UBND của UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xử lý đúng quy định của pháp luật. Tiếp sau đó ngày 21/10/2021, ông nhận được Văn bản số 1022/UBND-TD do ông Đinh Hồng Vinh, Phó Văn phòng, Trưởng Ban Tiếp dân UBND tỉnh ký cho rằng vụ việc của ông Hoàng Văn Đông đã được Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xử lý đúng pháp luật, không đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng căn cứ pháp lý trong Quyết định giải quyết đơn thư ông Đông số 3292/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UNND huyện Nghi Lộc công nhận đất gia đình ông Đông hiện nay được 7 gia đình ở xã Nghi Phong đang sử dụng. Những người cao tuổi, người dân ở xung quanh đất gia đình ông Hoàng Xuân Đông đã làm chứng, đây là tư liệu, bằng chứng sống. Văn bản số 18/KL-UBND năm 2013 do Chủ tịch UBND xã Nghi Phong Phạm Ngọc Chương ký trả lời đơn thư ông Hoàng Xuân Đông thừa nhận: “Đất mà ông Đông khiếu nại thuộc tờ bản đồ số 6, thửa 198, diện tích 1331m2, vị trí tại xóm 5, xã Nghi Phong”.

Để làm rõ vấn đề bạn đọc phản ánh, PV đã liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh nhưng không được chấp nhận.

Tác giả: Hải Hưng

Nguồn tin: lsvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP